Việt Nam ổn định giữa thế giới bất định
Nhìn lại năm 2019, các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, còn ở trong nước tăng trưởng tín dụng ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện. Song, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng, có năm thứ hai liên tiếp hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội đề ra.
TS Nguyễn Xuân Thành - giảng viên ĐH Fulbright nhận xét: “Từ năm 1979 tới nay, năm 2019 là năm đầu tiên kinh tế nước ta thoát khỏi chu kỳ trồi sụt 10 năm. Kinh tế Việt Nam đạt được cả hai mục tiêu là tăng trưởng cao và duy trì ổn định vĩ mô”.
Cùng với đó, theo các chuyên gia, một nét tích cực đối với kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới đã tăng 3,5 điểm và 10 bậc. Còn chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của nước ta theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Kết quả cải thiện Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019 tăng 1,2 điểm.
Quang cảnh cuộc tọa đàm diễn ra sáng 18/12 tại trụ sở Báo NTNN/Dân Việt. (ảnh: TRỌNG HIẾU)
Phân tích sâu hơn về hoạt động kinh tế vĩ mô năm 2019, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho biết: “Trên thế giới, nhiều quốc gia phải chịu sức ép tỷ giá và lãi suất rất lớn. Song ở Việt Nam, chúng ta vẫn thành công nhờ chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt. Tỷ giá VND luôn được duy trì ổn định. Chính sách tài khoá năm nay cũng có điểm đặc biệt, khi chúng ta hướng tới mục tiêu không thể thâm hụt ngân sách nhà nước vượt giới hạn. Đặc biệt, đối với nợ công, nếu không tính 25,4% GDP gia tăng theo cách tính mới, nợ công năm nay đã chấm dứt sự gia tăng, đang thể hiện xu hướng đi xuống”.
Cuộc tọa đàm diễn ra sáng qua tại trụ sở Báo NTNN/Dân Việt có sự tham gia của hơn 20 chuyên gia kinh tế hàng đầu như: Ông Trương Đình Tuyển, TS Trần Đình Thiên, TS Võ Trí Thành, TS Lê Xuân Nghĩa, TS Nguyễn Xuân Thành, TS Nguyễn Đình Cung, TS Đặng Kim Sơn, TS Cấn Văn Lực… |
Ở chiều ngược lại, theo TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cải cách thủ tục hành chính sau một thời gian dài tiến bộ, nay có dấu hiệu chững lại. Hiện tại, phát sinh không ít thủ tục mới mà không có văn bản chỉ đạo, chỉ lấy ý kiến của một số cá nhân.
Bài học từ dịch tả lợn châu Phi
Năm 2019 tiếp tục là một năm ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm soát lạm phát. Tính bình quân 11 tháng của năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Song nếu chỉ tính riêng tháng 11, tăng 0,96% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 trong 9 năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung thịt lợn giảm làm giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ thịt tăng cao. Giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).
Đánh giá về thị trường thịt lợn, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho biết, trong ít tháng gần đây, lượng sử dụng thịt lợn trên thị trường đã giảm 1/3 so với trước khi có đợt tăng giá mạnh trong vài tháng qua, nhưng giá lợn hơi vẫn tăng mạnh ở các vùng miền trong cả nước.
Xin một dự án bất động sản ở Hà Nội hay TP.HCM hiện nay còn khó hơn cách đây 5 năm rất nhiều. Có tới 107 xung đột về mặt pháp lý trong đầu tư công về bất động sản. Trong khi đó, mức độ trì chệ, bảo thủ, phản ứng lại chính sách còn mạnh hơn giai đoạn trước, nhưng không có hướng xử lý”. TS Lê Xuân Nghĩa |
Ngoài các những nguyên nhân về dịch bệnh hay kiểm soát vận chuyển thịt lợn giữa các vùng miền trong nước, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, mới đây, một số cơ quan báo chí đã phản ánh việc doanh nghiệp chăn nuôi găm hàng đầu cơ tăng giá. “Nếu đúng như báo chí phản ánh thì rõ ràng việc làm đó hoàn toàn sai với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về bình ổn giá cả thịt lợn và giá cả thị trường, nhất là trong những ngày sắp đến Tết Canh Tý 2020” - ông Phú nói.
Theo ông Phú, thịt lợn tăng giá khiến bà con tiểu thương gặp khó khăn, đồng thời làm ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng. Do đó, để làm tốt công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng thịt lợn dịp cuối năm, ông Phú đề nghị các cơ quan quản lý thị trường, quản lý giá, công an kinh tế… phải vào cuộc sớm để kết luận chính xác những thông được phản ánh trên báo chí, do hiệp hội chăn nuôi, bà con tiểu thương phản ánh.
“Luật Giá đã quy định, trong những trường hợp cần thiết các cơ quan quản lý giá ở các địa phương và Trung ương có thể áp dụng hình thức kê khai giá để kiểm soát thị trường giá cả tránh đầu cơ lợi dụng tăng giá. Thiết nghĩ đây là một việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để sớm bình ổn lại thị trường, đặc biệt là dịp cuối năm” - ông Phú nêu rõ.
Cùng chia sẻ về chủ đề này, TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không chỉ gây thiệt hại hàng triệu con lợn, mà còn khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình trạng khó khăn, khan hiếm nguồn cung thịt lợn. Ông Sơn nhận định: “Dù chúng ta tuyên bố hết dịch, nhưng hệ quả để lại sẽ còn lâu dài”.
Theo Hoàng Thắng/danviet.vn
http://danviet.vn/kinh-te/toa-dam-ve-kinh-te-2020-the-gioi-kho-khan-viet-nam-nhieu-diem-sang-1042499.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn