Dù phải kiểm tra kháng sinh, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về cung cấp tôm cho thị trường Nhật, vượt xa Thái Lan và Indonesia.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản chính ngạch của cả nước ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi xuất khẩu cá tra, cá ngừ lần lượt giảm 7,6% và 22,8%, xuất khẩu tôm tăng mạnh nhất 63%.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), 4 tháng đầu năm, Việt Nam dẫn đầu xuất sang Nhật hơn 13.400 tấn tôm tương đương 191 triệu đôla Mỹ. Thái Lan và Indonesia đứng thứ hai và ba với số lượng khoảng 11.400 tấn và 8.800 tấn. Ấn Độ xếp vị trí thứ năm với khoảng 5.400 tấn.
Mặt hàng tôm Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản tăng 31,9% về giá trị nhưng khối lượng giảm 40,2%. VASEP lý giải, quyết định kiểm tra 100% kháng sinh Oxytetracycline (OTC) là nguyên nhân chính dẫn tới giảm lượng tôm xuất khẩu sang Nhật Bản. Trước đó, nhiều thông tin trên các trang mạng thủy sản quốc tế phán đoán, Ấn Độ và Indonesia sẽ trở thành nguồn cung thay thế cho tôm Việt Nam.
Tuy nhiên thực tế, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu về cung cấp tôm cho thị trường này, trong khi, nhập khẩu từ hai thị trường được cho là “tiềm năng” vào Nhật Bản lại giảm mạnh cả về khối lượng lẫn giá trị. Trong đó, nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh nhất với 41,8% về khối lượng, 34,7% về giá trị. Theo thống kê của ITC, Argentina là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm 10 nước cung cấp tôm hàng đầu cho Nhật Bản. Tuy nhiên, tôm nhập khẩu từ Argentina là tôm đỏ, khác so với tôm sú của Việt Nam do vậy, Argentina không phải là “đối thủ”.
Nhật Bản bắt đầu kiểm tra chỉ tiêu OTC với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ tuần đầu tháng 3.Trong tháng 2 và 3, nước này đã phát hiện OTC trong 2 lô tôm nhập khẩu của Việt Nam. Trước đó, theo kế hoạch kiểm tra giám sát hàng năm của Nhật Bản thì mặt hàng tôm Việt Nam được nhận diện và chỉ định kiểm soát trong chương trình hàng năm với 2 chất kháng sinh đã bị cấm là chloramphenicol và oxytetracycline.
Hiện rào cản kháng sinh và hóa chất cấm là trở ngại lớn nhất của tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản. VASEP dự báo, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản mang lại trên 700 triệu USD mỗi năm nếu vấn đề OTC được kiểm soát tốt hơn và lợi thế tôm sú được tận dụng tối đa.
Theo danviet.vn