Việc giá tro, vỏ trấu tăng cao nhiều người mừng, song cũng khiến cho hoạt động sản xuất của nhiều cơ sở, hộ nông dân ở các tỉnh ĐBSCL gặp khó.
Bởi, đó là một trong những nguồn nguyên liệu chính để duy trì hoạt động sản xuất. Trong khi đó, sản phẩm làm ra vẫn giữ ở mức giá ổn định.
Bà Lê Thị Á, ở ấp Phú Mỹ Hạ, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) có trên 25 năm làm nghề lò đất (cà ràng) cho biết: “Trước đây, gia đình tôi mua mỗi ghe 60 khối đất từ Hòn Đất chở về với giá 600.000đ/ghe.Trung bình một khối có thể làm ra 2 cái lò đất.
Tuy nhiên, hiện nay với mức giá từ 600.000 – 700.000đ chỉ mua được ghe 30 khối. Ngoài ra, vỏ trấu năm trước chỉ mua vào với giá 5.000đ/bao (loại đựng được 50kg lúa), đến nay đã tăng lên mức 10.000 – 12.000đ/bao nên làm nghề này không còn lợi nhuận như trước”.
Để tạo ra một chiếc lò, ngoài việc trải qua nhiều công đoạn như in vỉ, nhận khuôn, nhận mỏ lò, làm bóng, phơi nắng, cạo gọt lại, còn phải nung lò ở bồn đốt trong suốt 48 tiếng mà nguyên liệu chính là vỏ trấu. Theo bà Á, tùy theo bồn đốt lớn hay nhỏ mà cho số lượng nhiều hay ít vào nung.
Đối với loại bồn nhỏ chứa khoảng 500 cái lò thì tốn 70 bao trấu để đốt, bồn 700 cái lò tốn 120 bao trấu, bồn 1.000 lò đốt khoảng 200 bao trấu. Như vậy, với mỗi mẻ lò từ 500 – 1.000 cái, cơ sở phải tốn thêm chi phí khoảng 400.000 – 1.200.000đ.
Vừa là chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, vừa là chủ lò làm gạch ống nên khi vỏ trấu tăng giá, cơ sở không còn mặn mà sản xuất.
Anh Nguyễn Văn Kha ở ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang), cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với công việc làm gạch ống đã mấy chục năm. Vậy mà giờ phải ngưng làm. Bởi, giá đất tăng cao khiến việc sản xuất đã gặp khó, giờ đến vỏ trấu cũng tăng theo nên sản phẩm bán ra chỉ có đủ vốn”.
Cũng theo anh Kha, chưa thấy bao giờ vỏ trấu có giá cao như hiện tại. Trước đây, chỉ có vài ngàn đồng/bao giờ đã tăng lên mức 12.000đ/bao, dẫn đến chi phí tăng cao mà sản phẩm làm ra vẫn giữ mức giá cũ nên thà nhập hàng từ những nơi khác như Vĩnh Long, An Giang bán còn có lợi nhuận hơn so với việc tự sản xuất.
Không chỉ vỏ trấu tăng giá mà tro phục vụ cho việc trồng rau màu, hoa kiểng dịp tết cũng được bán với mức giá “kỷ lục”.
Vỏ trấu giá tăng cao khiến nhiều hộ làm lò đất ở An Giang gặp khó
Bà Hà Thị Thu Hà, trồng 3 công dưa hấu tết ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Hàng năm vào khoảng tháng 8 – 9 (âm lịch) là gia đình tôi bắt đầu đi đến các cơ sở lò muối hoặc lò sấy lúa để đặt mua tro. Năm ngoái mỗi bao tro chỉ có giá từ 4.500 – 5.000đ/bao. Vậy mà năm nay tôi mua trước hơn tháng giá đã tăng lên ở mức 10.000 - 12.000đ/bao”.
Không trồng dưa hấu tết như những hộ dân xung quanh, nhưng cũng tận dụng công đất liếp gần nhà để trồng dưa leo bán, bà Huỳnh Thị Chính ở ấp 5, xã Hòa An cùng huyện Phụng Hiệp nói: “Tro càng ngày càng đắt giá, năm trước nhiều nơi tro chất thành đống chẳng ai mua. Giờ đến vụ tranh nhau mua, giá bán 15.000đ/bao”.
Với việc trồng 3 công dưa hấu tết, bà Hà mua đến 40 bao tro, tính ra chi phí bỏ ra cho nguyên liệu này không dưới 200.000đ. Còn theo một chủ cơ sở xay xát cho biết, nguyên nhân do vụ lúa thu đông sản lượng giảm nhiều so với vụ hè thu nên nguồn nguyên liệu vỏ trấu trở nên khan hiếm, không đủ cung ứng cho nhiều cơ sở chế biến củi trấu XK. Chính vì vậy giá vỏ trấu ngày một tăng cao.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn