14 công đậu nành rau đem về 84 triệu đồng Ông Lê Văn Thanh ở ấp K8, xã Phú Đức canh tác 14 công đậu nành rau trên nền đất sản xuất lúa kém hiệu quả của gia đình. Sở dĩ, ông chọn trồng đậu nành rau vì loại cây trồng này ngắn ngày, ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm nước tưới và cho năng suất cao.
Ông Thanh đã thu hoạch đạt năng suất bình quân 1,5 tấn/công, bán cho Công ty Thực phẩm An Giang (đơn vị bao tiêu sản phẩm) với giá tạiuộng là 9.000 đồng/kg, nhờ đó ông thu được hơn 200 triệu đồng. Trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, ông Thanh còn lãi 84 triệu đồng.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông kiểm tra sự phát triển
cây đậu nành rau. Ảnh: T.T Ông Lê Văn Thanh bày tỏ: “Trồng lúa không còn năng suất nữa, tôi chuyển qua trồng màu thấy dễ ăn hơn. Làm được 14 công rau màu này, lời cũng được trên 80 triệu đồng. Làm màu thì nhẹ chi phí, nhẹ việc thuê nhân công, mà đầu ra đã có công ty thu mua”.
Sau khi thu hoạch dứt điểm vụ này, ông Thanh tiếp tục cải tạo đất, lên bờ bao… mở rộng lên 34 công trồng đậu nành rau trên ruộng sản xuất lúa kém hiệu quả của gia đình mình.
Ông Hồ Quốc An - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông cho biết: “Cây đậu nành rau này gieo trồng trên vùng đất Tam Nông cho hiệu quả rất tốt. Sắp tới đây chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình ở xã Phú Hiệp, Phú Thành B, An Long để người dân làm”.
Khấm khá khi trồng thanh long Ngoài trồng màu, ở xã Phú Đức hiện có 15 hộ trồng trên 135 công thanh long ruột đỏ, tập trung quanh vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim. Từ khi xuống giống thanh long ruột đỏ đến khi thu hoạch đợt đầu là 11 tháng. Thời gian thu hoạch chính vụ từ tháng 5 và tháng 6 trong năm; còn lại là thu hoạch nghịch vụ, phải chong đèn.
Ông Nguyễn Văn Xiêm Nhỏ (ngụ ấp K8), gieo trồng 20 công thanh long ruột đỏ. Sau 15 tháng chăm sóc, vườn thanh long đã cho thu hoạch được 2 đợt. Đợt đầu, gia đình ông thu trên 2 tấn trái, bán với giá dao động từ 37.000 - 57.000 đồng/kg tùy loại. Từ đó, gia đình ông Xiêm nhỏ có thu nhập trên 110 triệu đồng.
Đợt này, ông Xiêm Nhỏ tiếp tục thu hoạch được khoảng 3 tấn trái thanh long thương phẩm, bán cho Công ty Thạch Võ (tỉnh Vĩnh Long) - đơn vị đã liên kết tiêu thụ, đưa xe đến tận nơi thu mua. Với giá bán từ 29.000 - 49.000 đồng/kg, gia đình ông thu trên 200 triệu đồng.
Ông Xiêm Nhỏ bày tỏ: “Về liên kết tiêu thụ, tôi thấy Công ty Thạch Võ đảm bảo về uy tín. Về phía địa phương rất quan tâm dự án phát triển cây thanh long, nhất là UBND huyện và chính quyền xã cũng tạo điều kiện giúp đỡ nông dân trồng thanh long về triển khai đường điện, làm hệ thống thủy lợi nội đồng, các đường kênh cộ để thuận lợi cho chăm sóc vườn, chuyển vật tư đến tận vườn và đưa thanh long đi bán. Đến nay, tôi thấy hiệu quả từ trồng thanh long gấp 10 lần trồng lúa”.
Ông Nguyễn Hữu Dư - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Đức cho biết, thực hiện dự án trồng thanh long ruột đỏ ở ô bao không số xã Phú Đức, đến nay cho thấy hiệu quả rất cao. Trước đây, nông dân trồng lúa có thu nhập không được bao nhiêu.