Thế giới sản xuất 8 triệu tấn, Trung Quốc thiếu 24 triệu tấn thịt lợn
Mới đây, chính phủ Trung Quốc ra thông báo, hiện tại, nước này có 200 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi và đã bị thiệt hại 40% tổng đàn. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Brett Stuart, chủ tịch Công ty tư vấn Global AgriTrends (Mỹ) đánh giá, tỉ lệ lợn nhiễm bệnh ở Trung Quốc phải lên đến mức 50%, tức hơn 220 triệu con.
“Điều này đồng nghĩa hơn 1/4 đàn lợn thế giới biến mất, thậm chí tỉ lệ lên đến 1/3.” Nhà phân tích Brett Stuart nhấn mạnh.
Cũng theo ông Brett Stuart cho hay, hiện nay, tình hình dịch tả heo châu Phi ở Trung Quốc gần như không giảm. Việc tái đàn trong điều kiện như vậy khiến bệnh dịch khó có thể kiểm soát.
Tổng sản lượng thịt lợn thế giới không đủ bù cho sự thiếu hụt của thị trường Trung Quốc.
“Khi giá lợn cao, mọi người ở Trung Quốc mở rộng diện tích chăn nuôi nên virus có điều kiện lây lan, vì vậy họ đang mạo hiểm. Chính phủ Trung Quốc nói phải đợi sáu tháng nữa mới có thể khôi phục đàn lợn.
Nhưng với mức lãi 300 USD/con, ai cũng muốn nuôi ngay khiến dịch bệnh càng tệ hơn. Từ tháng 1-2019, tổn thất có thể đã lên tới 65% tổng đàn lợn Trung Quốc” nhà phân tích này nhận định.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, với việc Trung Quốc không thể tái đàn, chỉ trông đợi vào nhập khẩu, bên cạnh đó, nhu cầu thị trường trong nước quá lớn khiến trong thời gian ngắn hạn, thế giới khó đáp ứng đủ.
Được biết, để đáp ứng nhu cầu trong dịp Tết nguyên đán, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu thịt lợn từ nhiều nước. Theo tờ The Guardian (Anh), lượng thịt lợn nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm nay tăng vọt, từ 94 triệu kg lên 161 triệu kg.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng có những động thái khẩn trương cấp giấy chứng nhận nhập khẩu thịt lợn từ Brazil, Ireland và một số quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Trong tháng 11, Trung Quốc cũng đã phải dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Canada nhằm giải tỏa “cơn khát thịt”. Giới chuyên môn cho hay, những động thái trên của Trung Quốc cũng khiến giá thịt lợn thế giới nhiễu loạn, tăng đột ngột.
Theo ông Rupert Claxton, Tập đoàn Tư vấn thực phẩm quốc tế Girafood nhận định, trước những diễn biến trên giá thịt lợn Châu Âu đã tăng nhảy vọt ít nhất 35% kể từ đầu năm nhưng vẫn khó đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
“Vấn đề là tổng sản lượng thịt heo xuất khẩu toàn cầu vào năm 2018 là 8 triệu tấn trong khi Trung Quốc thiếu hụt đến 24 triệu tấn. Nguồn cung thịt heo trên thế giới không đủ để lấp đầy khoảng trống này.” ông Rupert Claxton thông tin.
Việt Nam chịu ảnh hưởng
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, khi nguồn cung trong nước thiếu hụt, phương án nhập khẩu thịt lợn đã bắt đầu được triển khai. Cụ thể, trong 10 tháng của năm 2019, cả nước nhập khẩu 96.000 tấn thịt heo, trị giá hơn 108 triệu USD, tăng 101,7% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, con số này đã gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, với việc sản lượng thịt lợn trong nước sụt giảm tới 50%, lượng nhập khẩu chưa bù đắp được sự thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.
Đánh giá từ các doanh nghiệp cho rằng, hiện tại, giải pháp tăng cường nhập thịt lợn cũng không hề đơn giản. Ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty THO Group (chuyên nhập khẩu thịt các loại) cho hay, từ tháng 11/2019, doanh nghiệp này không chốt thêm đơn hàng mới.
Các doanh nghiệp trong nước đã dừng nhập khẩu thịt lợn.
Nguyên nhân là do thời điểm hiện tại, các nhà cung cấp ở châu Âu chủ yếu chào các mặt hàng xương, thịt vai heo trong khi mặt hàng công ty cần nhập là thịt nạc, đùi, bụng… lại không có hàng, nếu có giá cũng rất cao.
Cụ thể, trước đây nhập thịt heo theo giá CIF (giá giao hàng tại cảng) chỉ hơn 2 USD/kg (khoảng 45.000 đồng/kg), nay tăng hơn 4 USD/kg (khoảng 90.000 đồng/kg), cộng các loại thuế, chi phí khác thì khi về đến cảng ở Việt Nam giá lên đến 120.000 đồng/kg.
“Giá vốn đã 120.000 đồng/kg thì bán ra phải 150.000 đồng/kg, ai mua thịt đông lạnh với mức giá đó. Trong khi mức giá bán trên thị trường trung bình như thấy chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg.
Ngoài ra, nếu thời điểm này chốt đơn hàng thì qua Tết, hàng mới về tới Việt Nam nhưng giá đang rất cao, chúng tôi thấy quá mạo hiểm nên không theo.” ông Thơ cho hay.
Đồng quan điểm trên, ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) thông tin thêm, đến thời điểm hiện tại doanh nghiệp không thể nhập khẩu thịt kịp bán tết.
Theo ông Dũng phân tích, thời gian nhập khẩu một lô hàng thịt đông lạnh thường mất tới 3 tháng (90 ngày). Hiện tại, giá thịt đông lạnh cũng đã lên cao, giá thịt thấp 1 - 2 USD/kg chỉ là hàng cận “đát”, không ai nhập loại đó nữa.
Ngoài ra, giới chuyên môn cũng cho biết, do Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu từ Mỹ, nên tranh thủ mua gom hết thịt từ châu Âu. Điều này khiến các nhà nhập khẩu thịt Việt Nam không thể mua thịt từ các nước châu Âu. Động thái giảm thuế từ 12% về 8% nhằm mục đích “vét” luôn nguồn thịt từ Brazil, Canada,... những thị trường có nguồn cung thịt heo lớn trên thế giới.
Theo Thanh Phong/danviet.vn
http://danviet.vn/kinh-te/trung-quoc-tang-cuong-gom-hang-lon-nhap-khau-kho-vao-viet-nam-1044404.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn