Đi lên từ tay trắng
Chúng tôi tìm về trang trại nhà anh Hùng đúng lúc anh đang thu hoạch cá. Anh chia sẻ: “Cách đây bảy năm, tôi cũng thả cá trắng (chủ yếu là trôi, trắm, chép) giống mọi người quanh đây, nhưng không hiệu quả. Vốn đầu tư nhiều mà lợi lãi chả bao nhiêu, đã thế, các trắng còn hay có bệnh dịch, khó chăm sóc.
Đến năm 2009, tôi chuyển qua nuôi rô đồng, ban đầu nuôi nhỏ thôi, sau thấy hiệu quả cao nên quyết định mở rộng”. Anh Hùng cũng cho biết thêm, nguồn vốn ban đầu chủ yếu là của gia đình, khi quyết định làm lớn, anh đánh liều vay thêm từ anh em, bạn bè để mở rộng diện tích. Hiện tại, tổng diện tích hồ cá của anh là hai mẫu với mật độ khoảng một vạn con cá/sào. Theo tính toán của anh Hùng, chi phí đầu tư cho 1kg cá bình quân khoảng 30.000 đồng.
Tuy nhiên, theo lời anh Hùng, loài cá này thích hợp với khí hậu ấm áp, cho nên vào mùa đông ở miền Bắc rất lạnh, cá rất dễ bị chết, anh thường phải khoan giếng, dùng máy sục ấm để giữ ấm cho cá. Điều này khiến chi phí đầu tư cho cá tăng làm giá thành cũng đội lên cao hơn bình thường, có thời điểm, giá của một kg cá dao động từ 45.000-47.000 đồng mà nguồn cá bán vẫn khan hiếm.
Nuôi cá khép kín, tiết kiệm chi phí
Quan điểm Anh Vũ Mạnh Hùng So với nuôi cá trắng hay chăn nuôi thủy cầm, cá rô đồng không những cho lợi nhuận cao hơn mà còn ít rủi ro, bệnh tật (chủ yếu mắc bệnh nấm hoặc xuất huyết). Đặc biệt, cá rô đồng có một ưu điểm rất hay là có thể tự tạo oxy để hô hấp nên dù nuôi cá với mật độ lớn cũng không lo chúng bị ngạt oxy |
Sau khoảng sáu tháng thả dưới hồ, cá rô có thể cho thu hoạch. Trọng lượng của cá rô trưởng thành lớn hết tầm có khi lên tới 600gr/con, tuy nhiên, anh Hùng chỉ thu hoạch cá ở tầm trung (khoảng 3 đến 4con/kg). Cá sau khi được đánh bắt lên sẽ được sơ chế trước khi xuất đến các nhà hàng, quán ăn để tiêu thụ. Khâu sơ chế cá được làm khá kĩ lưỡng và sạch sẽ bao gồm xay vẩy, đánh nhớt và mang sau đó sẽ mổ sạch, ướp muối và ướp đá để vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Anh Hùng cho biết, cá nhà anh thường xuất đến các quán ăn, nhà hàng tại Phủ Lý, Hưng Yên và Hà Nội để làm các món ăn như canh cá rô, cá kho tộ, xôi ruốc cá rô đồng… Sau mỗi vụ thu hoạch cá, anh Hùng lại tiến hành hút cạn nước hồ, vệ sinh đáy hồ và bơm nước mới vào để thả một lứa cá tiếp theo. Trước khi thả cá con, phải đảm bảo nước hồ sạch để cá rô con lớn nhanh, hạn chế bệnh và đặc biệt,dưới hồ không được có con cá to nào nhằm tránh trường hợp cá giống sẽ trở thành thức ăn cho cá khác.
Nuôi cá rô đồng tuy đơn giản nhưng không phải ai nuôi cũng đạt được hiệu quả và thu lợi nhuận cao. Có lẽ vì thế mà gần chục năm qua, gia đình anh Hùng và gia đình anh Vũ Văn Hưng (anh trai anh Hùng, thôn Đông, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên, Hà Nam) được biết đến là hai hộ nuôi thả cá rô sớm với quy mô lớn và hiệu quả nhất vùng.
Anh Hùng tâm sự: “Với tôi, việc nuôi cá rô đồng nó cũng đến như một cái duyên. Sau bao nhiêu vụ thả cá trắng, chăn nuôi thủy cầm (ngan, vịt) không ăn thua, tôi đã tham khảo khắp mọi nơi và quyết định chuyển toàn bộ sang nuôi cá rô đồng, thế mà cũng bén duyên được gần 7 năm nay rồi”. Bên cạnh việc nuôi cá anh Hùng còn lấy cá từ các vùng khác (Thanh Hóa) cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn ở trong vùng và các tỉnh thành lân cận.
Với hai mẫu diện tích mặt hồ thả cá rô đồng, anh Hùng không chỉ mang lại thu nhập cao, phát triển kinh tế gia đình mà còn giải quyết việc làm cho ba lao động với mức lương trung bình 4.000.000 đồng/người/tháng. Đồng thời, mô hình trang trại nuôi cá của anh cũng là mô hình kinh tế hiệu quả đáng được tuyên truyền đến bà con nông dân ở đây.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn