Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 160 ha lúa xuân bị nhiễm bệnh đạo ôn, tập trung chủ yếu ở Hương Sơn (83ha), Thạch Hà (30 ha) và TP. Hà Tĩnh (30 ha). Tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình là 5%- 7%, cục bộ nơi cao 15%- 30%, chủ yếu trên bộ giống Xi 23, NX 30 và HT1.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra tình hình phát sinh bệnh đạo ôn trên lúa xuân xã Thạch Long (Thạch Hà) |
Đến trực tiếp kiểm tra tại xã Thạch Long (Thạch Hà), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu xã tiếp tục theo dõi, khuyến cáo bà con nông dân có biện pháp phòng trừ hiệu quả đối với từng giai đoạn phát sinh của sâu bệnh. Đối với 300 m2 bị cháy, cần phải có biện pháp xử lý kịp thời, tiến hành cắt tận gốc, đem đốt hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Tại Lộc Hà, dù tổng diện tích nhiễm bệnh của toàn huyện chỉ 6 ha (trong đó Thạch Mỹ là 5 ha) nhưng mức độ gây hại khá nghiêm trọng với 1 ha bị cháy khô, lụi tàn và không có khả năng phục hồi (tổng số diện tích cháy toàn tỉnh là 2,5 ha).
Chủ động phun thuốc phòng trừ là biện pháp tối ưu cho bệnh đạo ôn |
Kiểm tra tại đồng ruộng xã Thạch Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn yêu cầu huyện gấp rút chỉ đạo phòng chuyên môn và Trung tâm ƯDKHCN và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện phải bám sát cơ sở, tổ chức điều tra lại vùng nhiễm, bộ giống bị nhiễm và có biện pháp kỹ thuật kịp thời nhằm khoanh vùng bệnh.
Đối với những diện tích nhiễm nặng, cần cắt tận gốc và đốt. Tuyệt đối không được bón đạm và các loại phân chứa đạm đối với vùng bị bệnh. Đặc biệt, huyện cần tăng cường chỉ đạo các địa phương phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn theo đúng khuyến cáo của ngành chuyên môn, tốt nhất nên tiến hành phun vào cuối buổi sáng và buổi chiều để thuốc phát huy tác dụng cao nhất.
Nguyễn Oanh
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn