Những đàn cừu vui vẻ
Ông Trà Văn Bằng - người quản lý trang trại Thành Loan cầm khúc cây đếm từng con bò, cừu. Vợ ông nhanh chóng đổ thức ăn tổng hợp ra từng máng dài ở những chuồng khác. Con trai và con gái ông Bằng mang ra từng bao rơm to chất ở cửa chuồng. Từng đàn cừu sau khi đã được “điểm danh” đầy đủ, sẽ được cho vào chuồng thưởng thức một bữa chiều thịnh soạn bằng rơm, thức ăn tổng hợp và nước mát. Lũ cừu con thì được bú sữa bình...
Trang trại có hồ chứa nước lớn dự trữ nước cho gia súc uống và tưới cho đồng cỏ nhưng nay nước trong hồ đã bắt đầu cạn kiệt. Ông Thành đã chủ động khoan giếng và sử dụng 2 xe tải nhẹ đi chở nước về cung cấp cho đàn cừu, đàn bò.
Cách thức cứu cừu và bò qua mùa hạn này của ông Thành được nhiều chủ trang trại khác làm theo và hiệu quả hơn việc cho gia súc chạy đồng. “Nhiều người cho rằng chỉ người có nhiều tiền mới làm được như tôi, nhưng họ sai rồi. Nếu đưa cừu chạy đồng, tìm nước, phải di chuyển hàng chục cây số, không thể đi về nên phải thuê đất làm trại tại đó, phải thuê công chăn cao hơn bình thường. Mà nắng hạn như thế này, hàng vạn gia súc đều chạy đồng, làm sao đủ thức ăn cho chúng sống. Chúng kiệt sức mà chết lần chết mòn thì còn tốn kém hơn nhiều” – ông Thành phân tích. Nhiều bạn bè, anh chị em trong gia đình cũng đã học theo mô hình của ông và đang giữ được đàn cừu mạnh khỏe, phát triển tốt dù nắng hạn kéo dài và khốc liệt chưa từng có như năm nay.
Cây đời vẫn xanh
Mảnh vườn 5 sào đất của anh Nguyễn Xuân Dân (thôn Thiện Đức, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam) những ngày này vẫn xanh um với giàn tưới phun sương tiết kiệm nước. “Ở đây hình như có ông chống trời, mưa xung quanh mà Phước Nam không có một giọt mưa từ rất nhiều tháng nay. Chiều nào ổng cùng sầm sập, đì đùng, biết ổng làm mưa ở Lâm Đồng mà mơ…” – anh Dân ví von. Để duy trì giàn tưới này trong khi cái hồ trước sân không có nước, anh Dân phải trả 10.000 đồng/m3 nước, 3 tháng gần đây mất 3,5 triệu đồng/tháng. “Nhưng vẫn phải duy trì để chờ mưa. Dù có mưa thì cỏ cũng chưa thể mọc ngay được. Trong thời gian chờ cỏ mọc, lấy cỏ đâu cho bò ăn. Rồi trời sẽ phải mưa, cái suối gần đây sẽ có nước, sẽ bơm nước vào ao… Vợ tôi sẽ không phải đi làm xa kiếm tiền nữa và chúng tôi sẽ có con” – anh Dân nói. Vợ chồng anh Dân mới cưới hơn 1 tháng nhưng hiện chăn nuôi chưa có thu nên vợ phải đi làm xa, hàng tháng gửi tiền về cho anh gây dựng cơ nghiệp cùng đàn bò; heo và xoài đều chưa cho thu hoạch.
Cách nhà anh Dân chừng vài cây số, nhà ông Báo Nùng (dân tộc Chăm) nằm giữa tâm hạn thôn Văn Lâm 4 (thôn người Chăm ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) nhưng cỏ voi, cỏ ngọt và bắp lên xanh ngắt nhờ cách tưới tiết kiệm nước. Từng cặp cừu mẹ con sung sướng gặm cỏ tươi non trên đồng cỏ rộng chừng 4 sào. Chốc chốc lại có người đến xin cắt cỏ về cho gia súc ăn thêm. “Không bán đâu, toàn người trong làng cả, anh em dòng họ cả thôi mà. Mấy cặp cừu mẹ con đó cũng của người làng gửi đó. Cừu mẹ mới sinh mà không có cỏ tươi ăn là không trụ nổi đâu. Trời cho nhà tôi cái giếng nước không đáy, chưa từng cạn bao giờ, đại hạn thế này thì phải chia phúc cho bà con” – ông Báo Nùng nói. Giải thích cho thắc mắc rằng nếu không bán, ai cũng đến xin, tiền đâu trả tiền điện, cung cấp sao cho đủ, ông Báo Nùng cười và rằng, người Chăm vốn coi cuộc đời là cõi tạm, cái chết mới là đến cõi vĩnh hằng nên cũng chẳng mấy bon chen.
Và có lẽ bởi cái quan điểm sống ấy mà giữa đỉnh hạn nắng chang chang, đất khô không chắt ra giọt nước, nhiều người dân ở Hậu Sanh (xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước), sống dưới tháp Pô Rome đang tổ chức đào ao, cày ruộng hạn dọc các tuyến mương nhỏ chạy vào đồng…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn