(Ảnh minh hoạ)
Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, nơi có tới trên 70% dân số đã và đang sống nhờ vào đầu tư, canh tác và kinh doanh nông sản, là quốc gia có nhiều ưu đãi của thiên nhiên để có được những vựa lúa lớn, những vùng trái cây với đa dạng về chủng loại và chất lượng, …
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thị trường tiêu thụ luôn là một rào cản lớn với nông sản Việt Nam, do vậy tìm và mở rộng tiêu thụ luôn là giải pháp tối ưu mà chúng ta cần đẩy mạnh và mở rộng để nông sản Việt thực sự là sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đóng góp vào thị trường quốc tế một cách đầy đủ và chất lượng.
Chất lượng, mẫu mã khó cạnh tranh với láng giềng
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện CJ Freshway, một trong số những nhà phân phối nguyên liệu thực phẩm lớn nhất Hàn Quốc cho biết, hiện công ty này đang nhập khẩu các loại sản phẩm nông sản từ các thị trường chính như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand… mà không phải từ Việt Nam.
Nói về những thách thức khiến nông sản Việt khó cạnh tranh với các nước khác, đại diện CJ dẫn ví dụ cho hay: “Như với trái thanh long tươi hiện chưa thể xúc tiến xuất khẩu vào Hàn Quốc do yêu cầu cao từ quy định nhập khẩu của Hàn Quốc. Việt Nam cũng chưa có nhiều nhà máy đủ thiết bị xử lý nhiệt trong khi sản phẩm này cần phải quảng bá mạnh để thúc đẩy nhu cầu sử dụng”.
Hay như với mặt hàng cà rốt tươi, theo vị này, cà rốt Việt Nam từng bị thông báo nhiễm bệnh, sau đó lệnh cấm nhập khẩu được tháo gỡ nhưng có ràng buộc điều kiện nên rủi ro cho đơn vị xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, giá cà rốt của Trung Quốc rẻ hơn khoảng 20% so với cà rốt Việt Nam khiến mặt hàng này khó cạnh tranh.
Rau của quả cấp đông như hành, tỏi… cũng được chỉ ra rằng đang có giá cao gấp 1,5 lần so với thị trường Trung Quốc. Việt Nam cũng thiếu nhà máy có cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất phù hợp cho loại mặt hàng này. Đồng thời cũng chưa triển khai được vùng nguyên liệu đảm bảo độ an toàn và tính ổn định.
Đại diện Lottemart thì chỉ ra những vấn đề trong thiết kế bao bì sản phẩm của nông sản Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, kém hấp dẫn hơn hẳn so với những mặt hàng cùng loại của các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc… Vị này cũng chỉ ra những vấn đề với nông sản Việt không chỉ bao gồm khâu bao bì mà còn về quy chuẩn về kích cỡ, chất lượng, màu sắc, khả năng cung ứng đều đặn...
Doanh nghiệp cần thay đổi căn cơ
Về phía nhà cung ứng Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam (DAA Việt Nam) cho rằng, một trong những khó khăn của doanh nghiệp phân phối khi tìm kiếm và phát triển thị trường là hầu hết các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay là phát triển theo xu hướng tự phát, chưa có định hướng và quy hoạch rõ ràng vùng chuyên canh, chưa có tiêu chuẩn cụ thể và sự ràng buộc giữa nhà phân phối và người nông dân, chưa có chuẩn quy định về thị trường nông sản…
“Điều này dẫn đến sự không minh bạch và khó tạo niềm tin cho người mua hàng về danh giới giữa sạch và bẩn. Do đó khó có thể thuyết phục được đối tác đặc biệt là đối tác nước ngoài”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Nhằm cải thiện tình trạng trên, hiện Bộ Công Thương, Vụ thị trường châu Á - châu Phi đang thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại “Đưa nông sản Việt Nam vào chuỗi cung ứng Hàn Quốc” nhằm định hướng, thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp với vị thế mũi nhọn để phát triển kinh tế Việt Nam.
Cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể đưa các mặt hàng nông sản Việt tham gia chuỗi cung ứng Hàn Quốc thông qua hệ thống siêu thị lớn như Lotte, CJ tại Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia khác nhưng ông Hoàng Anh cũng khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự thay đổi hệ thống sản xuất, tiêu chuẩn, cách xúc tiến thương mại…
"Nếu muốn vào được thị trường nước ngoài, đặc biệt là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối lớn ở các nước phát triển, doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất hàng hóa theo chuẩn hội nhập với thế giới ngay từ đầu. Theo đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu và quy hoạch vùng nông sản rất rõ ràng và chặt chẽ để đảm bảo phát huy được lợi thế địa hình, khí hậu và hơn nữa sẽ giám sát được chất lượng nông sản, hạn chế và phải tiến đến loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ…", ông nói thêm.
Tác giả: Phương Dung
Nguồn: dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn