Theo chúng tôi, cần nhìn nhận chính xác hơn vì cây ngô còn gắn bó lâu dài. Loại trừ các nguồn giống trôi nổi trên thị trường, các Cty nổi tiếng thường rất nghiêm ngặt trong quy trình SX giống. Ít khi họ để xảy ra những sai sót, làm tổn hại đến uy tín của Cty. Vì vậy, bà con cần nhìn nhận cho thấu đáo...
Nếu như hiện tượng vừa qua mà cho là do giống giả hoặc giống kém chất lượng thì cây ngô ngay từ giai đoạn đầu cũng đã có những biểu hiện bất thường (như cây to nhỏ khác nhau, sinh trưởng và phát triển khác nhau, độ đồng đều cũng khác nhau ...).
Nhưng trong thực tế bà con cho biết, chỉ tới sau giai đoạn trổ cờ, phun râu mới phát hiện thấy hiện tượng kết hạt kén (bồ cào, răng cưa). Theo chúng tôi, nguyên nhân dẫn tới kết quả này lại không phải từ giống mà từ các yếu tố sau:
Thứ nhất là vấn đề thời tiết. Nếu vào giai đoạn trổ cờ, phun râu mà gặp lúc nắng nóng dữ dội (nhiệt độ lên trên 35 độ C và độ ẩm không khí xuống dưới 50%) thì hạt phấn có khi đã bị chết khô, không còn để thụ phấn nữa. Hạt làm sao hình thành được!
Thứ hai, nếu gặp trời mưa kéo dài đúng lúc trổ cờ, phun râu thì hạt phấn dễ dàng bị rửa trôi hoặc dính bết vào với nhau. Như vậy, làm sao mà nó thụ tinh được. Không thụ tinh thì không thể hình thành hạt. Đây cũng là một nguyên nhân rất dễ gặp.
Thứ ba, việc bón phân không cân đối cũng là một nguyên nhân. Đặc biệt, nếu bón quá nhiều đạm vào giai đoạn trổ cờ, phun râu thì việc kết hạt cũng bị hạn chế. Ngoài ra, nếu đất trồng quá chua hoặc quá mặn cũng ảnh hưởng tới việc thụ tinh.
Vì vậy, để đảm bảo cho ngô thụ tinh tốt, chúng ta phải gieo đúng thời vụ mà cán bộ nông nghiệp ở địa phương đã ấn định; đảm bảo bón phân cân đối; thực hiện thau chua, rửa mặn cho đất trồng. Cũng cần lưu ý việc sử dụng thuốc trừ cỏ phải tuân thủ theo đúng lịch trình đã in trong nhãn bao bì.
Còn việc ra bắp chìa có thể do một trong hai nguyên nhân sau:
Thứ nhất, có thể do đặc tính giống. Ví dụ các giống LVN4, NK6326 hoặc NK 6654 có hiện tượng ra bắp chìa. Nhưng các bắp phụ này mau chóng teo đi khi bắp chính vào chắc. Do đó, nó không ảnh hưởng gì tới năng suất của cây ngô.
Còn trường hợp khi gặp thời tiết bất lợi, hạt phấn không thụ tinh được nên hạt không hình thành. Lúc này, các chất hoocmon sinh trưởng trong cây không dồn vào hạt nữa mà tập trung vào các đỉnh sinh trưởng giữa các lá bi, đánh thức chúng dậy để hình thành các bắp phụ, nhiều khi trông như nải chuối. Các bắp này thường không có hạt.
Đôi điều như vậy để bà con hiểu rõ hơn về các hiện tượng xảy ra trên cây ngô. Ta cần xác định đúng nguyên nhân để kịp thời xử lý cho tốt.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn