Giờ đây, cơ ngơi trang trại đa canh hàng tỷ của ông gồm: lợn, thanh long ruột đỏ, các loại cây ăn quả, cây nguyên liệu đã trở thành một điểm sáng trong sản xuất kinh doanh giỏi và hướng đi của ông không dừng lại ở đó…
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của ông Đặng Anh Tuấn, ở xóm 7, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương. Đây là mô hình chăn nuôi lợn giống ngoại, kết hợp trồng cây ăn quả, với tổng diện tích 15,5 ha. Trong đó hơn 4 ha trồng cây ăn quả các loại: thanh long, bưởi da xanh, sắn... còn lại đào ao nuôi thả cá.
Sau khi rời công việc là cán bộ Sở TDTT tỉnh Hậu Giang, trở về quê và khởi nghiệp. Ông đầu tư trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu, đào ao thả cá và đầu tư nuôi gà số lượng lớn. Từ 1 lò ấp gà ban đầu năm 1998, đến năm 2000 ông đã có 8 lò ấp, cung cấp gà giống và gà thịt cho các huyện Tân Kỳ, Con Cuông, Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa. Hàng chục người dân địa phương được ông tạo việc làm với mức lương ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/ tháng. Nhưng dịch cúm gà H5N1 năm 2003 đã khiến ông mất trắng hàng tỷ đồng. Từ đó, ông chuyển sang nuôi lợn.
Từ 1 tỷ đồng đầu tư ban đầu đến nay trang trại lợn của ông Tuấn có tổng đầu tư 13 tỷ đồng. Trang trại lợn của ông Tuấn với 3 mặt hàng: lợn giống nuôi thịt; lợn nái hậu bị và lợn đực hậu bị. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, trang trại của ông Tuấn áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Đệm lót sinh học là công trình khoa học được áp dụng công nghệ để sưởi ấm cho lợn về mùa đông nhưng không gây ô nhiễm môi trường, nguồn phân thải đi ra đưa vào trồng trọt rất thuận lợi và đảm bảo vệ sinh.
Thị trường tiêu thụ lợn giống, lợn thịt của ông gồm 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trang trại ông Đặng Anh Tuấn là 1 trong những trang trại được thành lập sớm và chăn nuôi với quy mô lớn, hiện nay trang trại ông đang nuôi 1.000 con lợn. Trong đó có 150 con lợn nái sinh sản. Mỗi năm xuất chuồng hàng trăm tấn lợn thịt.
Để đảm bảo nguồn giống tốt, ông lặn lội ra Viện chăn nuôi mua giống. Ở đây ông gặp lại bạn bè là các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ Viện chăn nuôi, giáo viên dạy trường đại học Nông nghiệp tận tình giúp đỡ như tiếp cho ông sức mạnh niềm tin. Ông còn được cùng bạn bè đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở Nhật, Thái Lan để áp dụng vào trang trại của mình. Nhờ chịu khó học hỏi, chỉ trong vòng 2 năm ông đã đứng vững trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Khá thành công trên con đường chăn nuôi lợn nhưng ông Tuấn vẫn chưa từ bỏ đam mê biến đồi đất hoang hóa năm xưa thành vườn cây ăn quả. Bước đột phá tiếp theo là cây thanh long ruột đỏ. Trên địa bàn huyện Đô Lương, ông Đặng Anh Tuấn là người đầu tiên trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ.
Giống cây thanh long ruột đỏ được ông Tuấn sưu tầm và mua về trồng 700 gốc trên diện tích 1 ha. Để cây thanh long phát triển đảm bảo quy trình, gia đình ông Tuấn đã đầu tư trên 300 triệu đồng mua giống, vật tư, phân bón và trụ cây. Hiện nay, toàn bộ cây thanh long đang cho lứa quả đầu tiên.
Kinh phí đầu tư 4 ha cây ăn quả khoảng 1 tỷ đồng, trong đó gần 200 triệu đồng đầu tư vào các máy tưới tự động.
Cây thanh long ruột đỏ bước đầu đã thích ứng với đất vùng đồi Xuân Sơn. Theo ông Tuấn, đây là một loại cây có giá trị kinh tế cao.
Nụ mầm hoa thanh long đang trổ lứa bói.
Hợp thung thổ nên hoa phát triển khá nhanh.
Từ những bông hoa, quả thanh long đã dần hình thành
...và thành quả những năm tháng "ăn ngủ" cùng cây thanh long ruột đỏ của ông Tuấn. Thanh long ruột đỏ giống H14, một cây cho 50 - 60 quả/ năm, mỗi quả bình quân 1 kg.
Cùng với làm giàu bạc tỷ mỗi năm cho gia đình, trang trại ông Tuấn đã tạo việc làm ổn định cho 14 công nhân với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện trang trại của ông có mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất huyện.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn