Ông Nguyễn Sinh Hiền làm công nhân cho Công ty Xi măng chi nhánh tỉnh Sơn La. Năm 2015, sau khi về hưu, ông chọn cách “làm bạn” với vườn tược lúc về già. Ông Hiền dùng số vốn tích góp được từ cái nghề “hít bụi bặm” đầu tư mua một mảnh nương ằn rộng 6.100 m2 để lập nghiệp mới. Ban đầu người nhà, bà con nông dân bản Hoa Mai lời ra tiếng vào cho rằng ông Hiền “hâm” mới bỏ tiền mua mảnh đất đó bởi mảnh đất này trước đây dân trồng cây gì cũng chỉ có trồng mà chẳng có thu...
Ông Hiền - người bắt đất cằn cho ra trái cam ngọt
Ông Hiền nhớ lại: Lúc đó tôi mặc kệ ai thích nói gì thì nói. Đất cằn cũng giống con người vậy nếu được đầu tư quan tâm chăm sóc, bồi bổ thì đều “nở hoa” cả. Sau khi có trong tay “tư liệu sản xuất đặc biệt”, ông Hiền thuê nhân công phát cỏ lau lách, rồi dùng máy cày cày đất, dùng máy xúc đào hố để trồng cam.
Những chùm cam sai trĩu quả trong vườn nhà ông Hiền.
Đến tháng 5.2015, khi những cơn mưa rào bắt đầu đổ xuống, là lúc lão nông Hiền bắt đầu gieo xuống đất hàng trăm cây cam, cùng với đó là những giọt mồ hôi mặn chát rơi xuống với hy vọng mảnh đất này sẽ “hồi sinh”. Ngồi giữa vườn cam quả sai trĩu cành, ông Hiền kể: Năm đó (năm 2015), tôi trồng 400 cây cam Vinh, 100 cây cam đường Canh, 100 cây bưởi da xanh.
Để tránh gãy cành, ông Hiền buộc thêm dây giữ cho các cành cam.
Để cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, ông Hiền cho biết: Khâu quan trọng đầu tiên là phải chọn được giống tốt từ các cơ sở uy tín, tiếp đến là việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh và cắt tỉa cành hợp lý cho cây cam.
Ông Hiền cho hay, sản lượng năm 2018 dự kiến thu được 15 tấn quả
Đối với kỹ thuật bón phân, để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây, ông Hiền dùng phân chuồng ủ với vỏ cà phê. Năm đầu tiên khi mới trồng bón 20 kg/gốc để nuôi cây, năm thứ 2 tăng lên 40 kg, năm thứ 3 khi cây chuẩn bị ra hoa bón tăng lên từ 50 - 60 kg. Khi cây cam ra quả, mỗi gốc bón 60 kg phân chuồng cộng với 0,8 phân NPK để nuôi quả.
Để tăng thêm thu nhập, ông Hiền trồng thêm 100 gốc bưởi da xanh xen trong vườn cam.
Theo ông Hiền, trồng cây có múi thường hay bị các loại sâu bệnh như: sâu vẽ bùa, nhện đỏ, rầy, rệp, nấm… “Để phòng trừ, tôi không dùng thuốc hóa học mà dùng hoàn toàn thuốc sinh học để phun. Ngoài ra tôi giã tỏi, ớt, gừng trộn với nhau và ngâm với nước khoảng 1 tháng để phun. Mùa mưa cây hay bị bệnh nên phải phun 2 lần/tháng; mùa nắng, 1 tháng phun một lần” – ông Hiền tiết lộ.
Quan điểm trồng cây ăn quả của ông Hiền là mang đến khách hàng những sản phẩm an toàn, sạch
“Hiện nay, để quả có mẫu mã đẹp mà lại tốn ít chi phí, nhiều nhà vườn vẫn dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để phòng trừ sâu bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và môi trường. Riêng quan điểm của tôi, làm cái gì cũng phải có tâm thì mới giữ được khách hàng và xây dựng được thương hiệu cho nông sản của mình. Mặc dù mẫu mã cam vườn tôi không đẹp như những vườn khác nhưng miễn sao sản phẩm an toàn, được khách hàng tin dùng là được” – ông Hiền quả quyết.
Nhờ áp dụng kỹ thuật hợp lý trong cách chăm sóc vườn cam, mới vụ đầu tiên ông Hiền đã thắng lớn. “Bây giờ mảnh đất cằn 3 năm trước, khi tôi mua mọi người gọi tôi là hâm, đã cho trái ngọt rồi. Ai nấy nhìn thấy vườn cam nhà tôi đều trầm trồ, thán phục… Năm 2017, thu được 6 tấn cam tươi, với giá bán buôn tại vườn là 20.000 đồng/cân, giá bán lẻ 25.000 đồng/cân tôi thu được hơn 100 triệu đồng” – ông Hiền phấn khởi. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn