Anh Nghiêm Phước Hùng áp dụng giải pháp chong bóng đèn kích thích thanh long ra hoa.
Là nông dân tay lấm chân bùn, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng anh Nghiêm Phước Hùng vẫn tranh thủ thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng thành công mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho trái nghịch mùa. Với hơn 1,3 ha đất nằm ven Quốc lộ 1, không thuận lợi cho khâu lấy nước phục vụ nuôi thuỷ sản nên nuôi tôm không được và nuôi cá nước lợ cũng không xong. Sau thời gian tìm hiểu và trồng thử nghiệm cây thanh long ruột đỏ, anh nhận thấy chúng khá thích nghi với vùng đất nhiễm mặn. Thêm vào đó, đây là loại cây thuộc họ xương rồng, có khả năng chịu hạn rất tốt, nhu cầu nước tưới vào mùa khô không lớn nên rất phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương.
Vậy là anh Hùng quyết định đào ao lấy đất để sang lấp mặt bằng diện tích nuôi thuỷ sản, lên luống tạo rãnh thoát nước vào mùa mưa và trồng 1.500 gốc thanh long ruột đỏ trên diện tích 1,3 ha.
Sau hơn 2 năm trồng, chăm sóc, thanh long ruột đỏ bắt đầu ra hoa kết trái, chất lượng không thua kém vùng ngọt hoá và năng suất không ngừng tăng. Trung bình mỗi năm cho thu hoạch 5-6 vụ, năng suất từ 30-50 kg trái/gốc, tuỳ theo tán cây thanh long lớn hay nhỏ mà cho năng suất khác nhau. Tuy bước đầu cây thanh long ruột đỏ đã bén duyên trên vùng đất nhiễm mặn, giúp gia đình có thêm thu nhập, nhưng về sau, giá thanh long trên thị trường luôn bấp bênh vào mùa thanh long chín rộ đã ảnh hưởng đến hiệu quả của mô hình.
Không chùn bước, anh nông dân Nghiêm Phước Hùng tiếp tục tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông và internet về biện pháp xử lý cây thanh long ra trái nghịch mùa để bán được với giá cao.
Sau thời gian tìm hiểu, anh chọn giải pháp chong bóng đèn điện để kích thích thanh long ra trái nghịch mùa đúng theo ý muốn. Kết quả mang lại hết sức khả quan và được anh duy trì đến nay. Dù giải pháp này làm tăng chi phí sản xuất do phải trả thêm tiền điện, nhưng bù lại không bị đụng hàng, luôn bán được giá khá cao nên hiệu quả hơn so với hình thức trồng cho ra trái tự nhiên theo mùa vụ.
Anh Nghiêm Phước Hùng cho biết, hiện đang tiếp tục thử nghiệm dùng bóng đèn compact xử lý cho thanh long ra trái nghịch mùa để tiết kiệm chi phí tiền điện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quy trình xử lý thanh long ra trái nghịch mùa bằng giải pháp chong bóng đèn.
Cách làm linh hoạt, sáng tạo của nông dân Nghiêm Phước Hùng tạo bước đột phá cho mô hình cây ăn trái trên vùng đất nhiễm mặn, cho thu nhập cao./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn