PV Báo NTNN đã có buổi trò chuyện với bà Hạ Thuý Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) xung quanh vấn đề này.
Thưa bà, lâu nay các hoạt động của TTKNQG luôn gắn liền với chuồng trại, đồng ruộng, trong khi năm 2017 thời tiết diễn biến khó lường, khắc nghiệt, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, vậy TTKNQG đã triển khai các nhiệm vụ được giao như thế nào?
- Trong năm nay, chúng tôi có khá nhiều thuận lợi, đầu tiên là sự quan tâm của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương trong việc hỗ trợ các chương trình khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (TBKT) đến người nông dân. Đặc biệt là các tỉnh cũng như người dân ngày càng tin tưởng vào việc tư vấn, chuyển giao TBKT của hệ thống khuyến nông cả nước.
Tuy nhiên, năm nay ngành nông nghiệp đã trải qua rất nhiều khó khăn do thời tiết khó lường, có vùng quá lạnh, quá nóng, khô hạn gay gắt…, trong khi khả năng ứng phó, chống chịu của người sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, năm 2017 giá cả và đầu ra nhiều loại nông sản biến động mạnh, trong đó việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn kháng sinh đang là các vấn đề nổi cộm, khiến sản xuất và thu nhập của bà con luôn trong cảnh bấp bênh.
Việc liên kết 4 nhà từ nhiều năm nay đã được nhắc đến, tuy nhiên vai trò của cán bộ khuyến nông trong liên kết này chưa thực sự được chú trọng. Trong khi sản xuất hiện nay đang xuất hiện những yêu cầu mới mà nông dân chưa kịp thời nắm bắt, như sản xuất công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất theo chuỗi…, các sản phẩm hữu cơ, an toàn tiêu thụ còn chậm nên rất khó khuyến khích nông dân theo đuổi lâu dài mô hình và đầu tư lớn, nếu không có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, TTKNQG đã thường xuyên bám sát và thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai tích cực các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế...
Mô hình nuôi lợn rừng tại xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). ảnh: Internet
Bà có thể điểm qua vài dự án khuyến nông có kết quả nổi bật trong năm qua?
-Thời gian qua, TTKNQG tham gia rất nhiều dự án về trồng trọt, tập trung vào những cây trồng chính như lúa, ngô, cây ăn quả, các cây công nghiệp dài ngày như tiêu, điều, cà phê… Đây đều là những dự án lớn mà Bộ NNPTNT đã chỉ đạo trực tiếp TTKNQG thực hiện.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, TTKNQG thực hiện tốt các mô hình chăn nuôi thú y, các dự án vỗ béo bò thịt, thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo đàn bò, xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, xây dựng các mô hình phát triển đàn ong theo hướng VietGAP để phục vụ xuất khẩu…
Các dự án phát triển nuôi cá, nuôi tôm theo VietGAP, hỗ trợ vùng bão lũ, hạn mặn cũng được triển khai rất thành công. Cụ thể, trong năm 2017 TTKNQG đã phối hợp với các địa phương triển khai 31 dự án, với 418 điểm trình diễn, với hơn 7.800 hộ tham gia và được hưởng lợi.
Thông qua đó, đã có hơn 23.000 nông dân được tập huấn, đào tạo trực tiếp, chưa kể hàng chục nghìn nông dân được dự các buổi tham quan, tổng kết mô hình trình diễn.
Được biết, TTKNQG không chỉ hỗ trợ, nâng cao kiến thức cho nông dân qua các mô hình mà còn thực hiện nhiều chương trình truyền thông với báo, đài?
-Trong năm 2017, đơn vị đã phối hợp tổ chức 32 diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, 1 hội thi, 6 hội chợ triển lãm, góp phần kết nối người nông dân với doanh nghiệp, tư vấn kịp thời cho bà con trong các vấn đề sản xuất.
Ngoài Bản tin Khuyến nông Việt Nam và các ấn phẩm hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp…, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với các tờ báo nông dân dễ tiếp cận như Nông nghiệp Việt Nam, Nông thôn Ngày nay, Tạp chí Thủy sản…, các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTC 16… để tuyên truyền chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, chúng tôi đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền đến các vùng sâu, xa bằng 12 ngôn ngữ dân tộc thiểu số; phối hợp Đài truyền hình Việt Nam thực hiện chuyên mục “Sổ tay nhà nông” phát vào 5h50 sáng trên kênh VTV1. Các chương trình này đều được bà con đánh giá cao bởi có nội dung cụ thể, chi tiết, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ áp dụng.
Ngân sách từ các chương trình, dự án khuyến nông Trung ương thực tế chỉ như nguồn vốn “mồi”, nhằm tăng cường năng lực cho hoạt động khuyến nông các cấp cũng như người nông dân. Từ nguồn vốn “mồi” này, nhiều mô hình đã được nhân rộng hiệu quả, giúp nông dân nâng cao trình độ sản xuất và tăng thu nhập. |
Sang năm 2018, TTKNQG đã có giải pháp gì để tăng cường vai trò, hiệu quả của hoạt động khuyến nông?
Mới đây, Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 25/2017/TT-BNNPTNT về Hướng dẫn triển khai chương trình, nhiệm vụ khuyến nông T.Ư, trong đó có điểm mới là TTKNQG sẽ không chủ trì các dự án khuyến nông T.Ư mà sẽ giao cho TTKN các tỉnh.
Chúng tôi chỉ hỗ trợ, xây dựng kế hoạch, kiểm tra đánh giá, làm sao để các dự án sát với nhu cầu thực tiễn, hiệu quả và dễ nhân rộng. TTKNQG cũng đang khẩn trương xây dựng, chỉnh sửa các nội dung của Nghị định 02 làm sao thật thiết thực, đi vào thực tế và tăng cường vai trò của các đơn vị khuyến nông các cấp, cũng như tận dụng tốt các nguồn lực.
Đánh giá khách quan thì trong năm 2017, bà nhận thấy có hoạt động nào còn chưa tốt?
Mặc dù có rất nhiều cố gắng, nhưng do điều kiện sản xuất của một số địa phương, thời tiết thay đổi, giá cả liên tục biến động nên một số mô hình chưa được như ý muốn. Vài TKNT địa phương có sự xáo trộn về cán bộ nên một số nhiệm vụ khuyến nông chưa đáp ứng được ngay.
Những năm gần đây, các tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động khuyến nông nhưng nhiều nơi kinh phí vẫn rất hạn chế, khiến các chương trình, dự án khó nhân rộng. Đơn cử như quỹ khuyến nông, đến nay cả nước mới chỉ có Hà Nội có quỹ dồi dào và đồng vốn phát huy rất hiệu quả, còn các địa phương khác còn hạn chế.
Xin cảm ơn bà!
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn