Đội Quản lý thị trường ở thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thu giữ số lượng giò, chả dương tính với chất cấm hàn the để xử lý.
Trong thực tiễn, nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Như ở chợ TP Hà Tĩnh, hầu hết rau, củ, quả được nhập về và tiêu thụ hàng ngày gần như chưa được quản lý chất lượng, trong khi mỗi ngày lượng tiêu thụ rất lớn.
Tại làng nghề làm bánh đa nem ở Thạch Quý (TP Hà Tĩnh), sau khi sản xuất, bánh được người dân mang phơi khô tràn lan bên các vệ đường. Thậm chí, có những người còn mang bánh phơi quanh hàng rào Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh, nơi luôn tiềm ẩn mầm bệnh. Trong công đoạn cuối, sau khi bánh khô đưa vào đóng gói, một số hộ dân còn dùng cả tấm chăn cũ, bẩn để “tấp” lên làm ẩm bánh để cắt…
Bánh đa nem ở xã Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) được người dân phơi gần bãi rác.
Tại lò mổ phường Sông Trí (TX Kỳ Anh), khu vực giết mổ đã xuống cấp. Điều đáng quan tâm là lò mổ không có các bàn để giết mổ đảm bảo vệ sinh mà giết mổ ngay trên nền nhà, trong khi nền đã xuống cấp loang lỗ. Xung quanh lò mổ, các hồ chứa nước thải đang có dấu hiệu ô nhiễm nặng. Theo một người dân làm việc tại đây, ngay từ khi đưa lò mổ vào hoạt động, hệ thống biogas xử lý nước thải đã bị hư hỏng. Vì vậy, nước thải phải xả trực tiếp ra hồ…
Một cơ sở sản xuất giò ở xã Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh) dùng thùng sơn đựng mỡ lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Giò được bọc trong bao ni-lông để luộc, sau khi chín lại thả vào nước lạnh cho nguội trước khi đưa vào bảo quản trong tủ lạnh.
Nguy hiểm hơn, ngành chức năng đã phát hiện các chất cấm tại nhiều cơ sở SXKD thực phẩm cung cấp ăn uống hàng ngày cho người dân. Cơ sở sản xuất rượu Thanh Bảo ở Cẩm Yên (Cẩm Xuyên) được đầu tư máy móc hiện đại, hệ thống lắng lọc công suất 10.000 lít/ngày, rượu được tiêu thụ khá lớn; tuy nhiên, khi ngành chức năng kiểm tra thì phát hiện sản phẩm có nhãn mác nhưng không ghi rõ ngày sản xuất, chủ cơ sở chưa đăng ký giấy phép sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Không dừng lại ở đó, khi cán bộ chuyên môn lấy 4 mẫu rượu để test nhanh tìm chất cấm thì có đến 2 mẫu dương tính với chất methanol đậm đặc. Theo cán bộ làm công tác chuyên môn tham gia đoàn kiểm tra, rất hiếm khi làm test nhanh để tìm methanol lại có phản ứng nhanh và biểu hiện dương tính đậm đặc như thế. Điều này thường chỉ xảy ra khi có cồn công nghiệp!
Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh cho biết: “Thực hiện chức năng giám sát, trong dịp tết Nguyên đán và lễ hội năm 2018, Ban Văn hóa – Xã hội đã phối hợp với Ban Pháp chế và các ngành chức năng kiểm tra, giám sát tại các huyện Lộc Hà, Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Qua đó, có thể khẳng định: Kiểm tra đến đâu, thấy vi phạm đến đó”.
Ông Anh còn cho hay, có những lỗi, người sản xuất cố tình vi phạm như việc sử dụng chất cấm trong sản xuất chế biến rượu, giò, chả… nhưng có những lỗi người dân chưa biết, hoặc chưa ý thức được như việc bọc bao ni-lông luộc giò, dùng thùng sơn đựng mỡ nóng... Một vi phạm phổ biến nữa là hầu hết hàng hóa sản xuất thủ công không có nhãn hiệu.
(Còn nữa)
Theo Biện Nhung/baohatinh.vn