Những quán ăn vỉa hè thế này khó bảo đảm vấn đề vệ sinh thực phẩm |
Tang vật vi phạm gồm hơn 1.500kg thịt heo, gần 240kg phụ phẩm heo, hơn 82kg chân trâu bò và hơn 200kg thịt bê được vận chuyển bằng xe máy đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói trong số này có lô thịt thối được khai nhận là để giao cho một cơ sở chuyên cung cấp khẩu phần ăn cho công nhân tại khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương).
Thông tin trên làm đậm nét thêm cho tình hình an toàn thực phẩm được báo động từ nhiều năm qua với các vụ trái cây tẩm hóa chất, thuốc trừ sâu độc hại trong rau, nước tương chứa hóa chất 3-MCPD vượt chuẩn, chất kích nạc trái phép trong thịt heo… được bày bán tràn lan trên thị trường.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2011 trên cả nước ghi nhận có 142 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại 45/63 tỉnh thành với 4.533 người mắc, 25 trường hợp tử vong. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chiếm tỷ lệ lớn là do vi sinh vật 28,1% (40 vụ); do độc tố tự nhiên 26,8% (38 vụ).
Hồi giữa năm nay, sau khi thịt heo nhiễm hóa chất cấm bị phát hiện ở nhiều nơi, một bộ phận người tiêu dùng quay lưng lại với loại thịt này. Chất tăng trọng tạo nạc thuộc nhóm Beta Agonits là loại hóa chất độc hại và bị cấm sử dụng trong chăn nuôi cả ở Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên vì hám lợi, những cơ sở sản xuất thực phẩm vẫn dùng hóa chất này trộn vào thức ăn để kích thích heo mau lớn, nở mông, nở vai, tan mỡ và cho thịt nạc sát da hầu bán được giá.
Theo kết quả giám sát của cơ quan chức năng tại các lò mổ trên địa bàn TP.HCM, có tới 43% số mẫu nước tiểu và 24% số mẫu thịt nhiễm chất cấm thuộc nhóm Beta Agonits. Ngoài ra tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng phát hiện hàng chục ký chất tạo nạc và mẫu thịt heo nhiễm hóa chất này.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, trong một lần khảo sát tình hình an toàn thực phẩm ở các cửa khẩu đã cho rằng thật khó tin khi người ta kiểm soát an toàn thực phẩm chỉ bằng một chiếc… kính hiển vi. Bày ra như vậy là để cho… vui, chứ kính hiển vi thì làm sao soi được thực vật, động vật nhiễm vi sinh vật gì hay có thể sinh ra độc tố gì!
Theo ông Dũng, nhiều nước đang phát triển cũng gặp khó khăn tương tự trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như nước ta, nhưng người dân các nước phát triển hầu như được bảo đảm an toàn bằng cơ chế quản lý thực phẩm và dược phẩm chặt chẽ. Người vi phạm bị xử lý nghiêm, đủ để không dám và không thể tiếp tục vi phạm.
Các chất có thể gây độc hại trong thực phẩm gồm rất nhiều hợp chất hóa học khác nhau. Việc kiểm tra, nhất là kiểm tra nhanh, các chất này không phải là chuyện đơn giản và dễ thực hiện. Với các chất phụ gia thực phẩm và nhất là thuốc trừ sâu hóa học cũng tương tự. Việc phân tích đòi hỏi sử dụng các thiết bị sắc ký với những cán bộ có chuyên sâu về lĩnh vực này. Do đó, không dễ dàng gì để có thể kiểm soát một cách rộng rãi và nhanh chóng.
Tiến sĩ Trần Đán (nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế) nhận định việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tại nước ta hiện nay rất không hợp lý, dù Luật an toàn vệ sinh thực phẩm đã được ban hành.
Ở các nước, khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về thực phẩm sẽ phải vào cuộc. Chẳng hạn ở Mỹ có Trung tâm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng ứng dụng thuộc Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm, ở Nhật là Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế.
Trong khi đó, luật của Việt Nam rất rối. Chúng ta có nhiều cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, nào là Bộ Công Thương quản lý năm ngành hàng thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chín ngành hàng, còn Bộ Y tế lại quản lý vài mặt hàng rất phụ như thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung đa vi chất..., thế nhưng không cơ quan nào nhận trách nhiệm cao nhất.
Việc phát sinh chất kích nạc trong chăn nuôi trách nhiệm chính thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng để đánh giá nó nguy hại đến sức khỏe thế nào thì không thể giao cho bộ này được. Theo luật thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm chăn nuôi là không ổn.
Bộ này cũng như Bộ Công Thương chỉ có thể chịu trách nhiệm về sản phẩm của ngành mình ở khâu sản xuất, chế biến, còn khi đã là thành phẩm để ăn được rồi thì trách nhiệm quản lý phải thuộc về Bộ Y tế.
Theo kinh nghiệm của các nước, cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm. Khi có vấn đề, Bộ Y tế có thể truy tìm căn nguyên, nếu sự cố nằm từ khâu chăn nuôi sẽ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm, chấn chỉnh toàn bộ quy trình chăn nuôi.
Theo cơ chế này, một đòi hỏi bắt buộc là Bộ Y tế phải sẵn sàng lên tiếng, chứ không thể thờ ơ vô can khi xảy ra sự cố an toàn thực phẩm vì cho rằng bất ổn thuộc về chức trách của Bộ khác, không thuộc trách nhiệm của mình.
Như vậy mới thấy, các cơ quan chức năng vẫn còn tắc trách trong việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân trong tình hình an toàn thực phẩm đang được báo động.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn