Thủy điện Sông tranh 2 tiếp tục động đất khiến dân tình không an
Theo Viện Vật lý địa cầu, trận động đất nói trên gây nên rung động trên cấp 4. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này. Các chuyên gia không loại trừ khả năng nếu chuỗi động đất còn tiếp tục, có thể sẽ xuất hiện những trận động mạnh hơn trong những ngày tới. PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho rằng, đập thủy điện Sông Tranh 2 được thiết kế với độ kháng động đất cấp 8 trên bề mặt. Trận động đất có cường độ lớn nhất (4,2 Richter) xảy ra tại khu vực này mới chỉ ở cấp 6, gần tới cấp 7 nên không gây nguy hiểm cho thủy điện Sông Tranh 2.
Thông cáo báo chí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chiều tối 6-9 cho biết, sau khi xảy ra các đợt rung chấn do động đất, EVN đã kiểm tra các hạng mục và nhận định các đợt rung chấn vừa qua không gây ảnh hưởng đến công trình thủy điện Sông Tranh 2. "Các dữ liệu quan trắc do các thiết bị lắp đặt trong Thủy điện Sông Tranh 2 đo được rung chấn có cường độ lớn nhất 4,2 độ Richter. Trong khi đập thủy điện Sông Tranh 2 đã được thiết kế cường độ kháng nén lớn bảo đảm an toàn khi có động đất tới 5,5 độ Richter”, thông báo của EVN nhấn mạnh.
Tình trạng nứt đập thủy điện Sông Tranh 2 phải sửa chữa kéo dài, khi EVN thông báo đã hoàn thành việc sửa đập lại liên tục động đất xảy ra, trong khi trạm quan trắc chưa hoàn thiện, là do thiếu chuẩn bị trước cho những thảm họa, trong đó có việc quản lý kém và thiếu tầm nhìn dài hạn. Dù các nhà khoa học, nhà đầu tư luôn khẳng định là chưa có gì đáng ngại, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã kết luận đập Thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn để tích nước, nhưng chính quyền, dân địa phương vô cùng hoang mang khi động đất xảy ra liên tục. Hàng nghìn dân bỏ chạy ra khỏi nhà. Trường mẫu giáo Hoa Phượng (thôn 1 xã Trà Đốc) tạm thời nghỉ học vì lo sợ trường đổ sập nếu động đất tiếp tục... Hàng chục hộ dân đồng bào dân tộc tại các thôn 1, 2 và 3 Trà Đốc bỏ nhà tái định cư thủy điện vào làm nhà tạm trong rừng sinh sống. Người dân cho biết nếu động đất tiếp diễn họ sẽ bỏ khu tái định cư để đi tìm nơi ở mới.
UBND tỉnh Quảng Nam chiều 6-9 đã kịp có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương báo cáo tình hình động đất liên tục xảy ra tại huyện Bắc Trà My. "Các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm lập đoàn kiểm tra vào huyện Bắc Trà My để khảo sát tình hình động đất cũng như những vấn đề liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2”.
Thông cáo của EVN viết, "EVN ý thức được việc bảo đảm an toàn cho công trình và cuộc sống của người dân ở khu vực hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 là cực kỳ quan trọng” - Nếu quả đã "ý thức” được việc an dân là cực kỳ quan trọng, sẽ không chậm trễ đến thế, việc lắp đặt hệ thống quan trắc động đất. Chỉ khi đã các nhà tư vấn, nhà khoa học và chính quyền địa phương "trúng khẩu đồng từ” khuyến cáo: cần lắp đặt ngay các trạm quan trắc động đất tại khu vực này để có những số liệu quan trắc động đất cụ thể trong thời gian lâu dài, từ đó dự báo những chu kỳ của động đất kích thích và đưa ra những thông tin cảnh báo chính xác nhất với người dân, Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 và EVN mới cùng Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt 4 trạm quan trắc động đất trong thân đập.
Cũng sẽ không chậm trễ đến thế, việc trang bị kiến thức về ứng phó khi có động đất xảy ra cho người dân ở khu vực này, khiến tâm lý bà con vo cùng hoảng loạn.
Cần làm gì khi có động đất? Tới ngày 6-9, Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam căn cứ Sổ tay hướng dẫn phòng, tránh thiên tai của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương ban hành, đề nghị Ban chỉ huy PCLB & TKCN các địa phương phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến để mọi người dân trên địa bàn chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do động đất gây ra.
"Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập thì vẫn có không khí để thở. Không chạy ra khỏi nhà khi có chấn động do động đất gây ra. Sau khi chấn động ngừng mới rời khỏi nhà nếu cần. Đối với nhà cao tầng, không di chuyển bằng thang máy để đề phòng mất điện, đồng thời lấy các vật che trên đầu như gối, cặp sách, cặp tài liệu. Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì phải lánh nạn tại những bãi đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, cây to và đường dây điện...”, văn bản hướng dẫn viết.
…Mục tiêu an dân - an toàn cho mọi người dân cả về tâm lý và vật chất - là mục tiêu cần coi trọng thực sự trong phòng tránh thảm họa nói chung và xử lý sự cố thủy điện Sông Tranh 2 nói riêng. Không thể sai mới sửa và nói lấy hay! Các trạm quan trắc cần lắp đặt, hoàn thiện khẩn cấp, phải luôn được đặt ở chế độ "cảnh giác” cao, cẩn trọng hơn trong xem xét và thẩm định công nghệ, thiết bị. Chính quyền và người dân địa phương "kêu cứu” đã quá nhiều.
Thanh Như
Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức nghiên cứu đánh giá chi tiết về điều kiện địa chất, động lực học và hoạt động địa chất khu vực Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, công việc này sẽ thực hiện trong năm 2013. Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – Đặng Phong, khẳng định: "Các đợt rung chấn liên tiếp xảy ra làm cho người dân trong huyện rất lo lắng! Hiện chính quyền chỉ biết trấn an người dân bằng cách tuyên truyền còn về khoa học phải đợi kết luận của các cơ quan chuyên môn. Nếu sau khi Đoàn kiểm tra phát hiện còn hiện tượng rò rỉ nước, thấm, không đảm bảo an toàn… chúng tôi sẽ kiến nghị không cho tích nước. Nhất định không để việc động đất ảnh hưởng đến đời sống của bà con”. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có yêu cầu việc xả lũ của các hồ thủy điện cần có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý thủy điện và chính quyền địa phương để lường trước mọi tình huống xấu. TẤN THÀNH |