Trước những vấp váp đó, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã xác định việc nâng cao chất lượng, mẫu mã, đảm bảo điều kiện SX an toàn, bền vững, nâng cao giá trị cho quả vải là nền móng đầu tiên.
Việc tổ chức thu mua vải thiều mỗi vụ đều đảm bảo tạo điều kiện nhất cho thương nhân Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hiếu. |
Theo đó, toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cơ cấu lại cho cây vải, bên cạnh tăng cường quy trình GAP thì phải giảm dần diện tích vải kém chất lượng, già cỗi, các địa bàn không phù hợp với cây vải... Toàn tỉnh đã giảm diện tích vải từ 35 nghìn ha trước đây xuống chỉ còn 28 nghìn ha, và chủ trương sẽ ổn định ở mức này.
Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT nhằm cải thiện bộ giống, rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch dãn ra lên tới 2 tháng với 2 trà vải sớm và chính vụ (thay vì chỉ tập trung trong vòng 1 tháng như trước đây). Nhờ đó, đã giảm được sức ép tiêu thụ, đồng thời “né” được vụ thu hoạch vải của Trung Quốc, do Trung Quốc hiện nay cũng có vải rất lớn.
Một số giống vải tại Bắc Giang mà Trung Quốc ưa chuộng, đặc biệt như giống vải Thanh Hà (hay còn gọi là vải Tàu lai) vốn là giống vải hạt to, chất lượng không ngon, không được thị trường trong nước ưa chuộng, tuy nhiên đây lại là giống mà các thương nhân Trung Quốc rất ưa chuộng do mã đẹp, màu đỏ tươi, nhất là vỏ dày, có gai và bảo quản được rất lâu. Đây cũng là giống vải mà Bắc Giang sẽ nghiên cứu mở rộng diện tích và thâm canh trong thời gian tới.
Bắc Giang đang hướng tới SX nông sản, trái cây, trong đó có quả vải sẽ không chỉ đảm bảo chất lượng để khách hàng hài lòng khi ăn bằng miệng, mà còn phải hài lòng khi “ăn bằng mắt”!
Chủ động nắm bắt thông tin, xử lí nhanh các yêu cầu của thị trường Trung Quốc là điều mà Bắc Giang đã vào cuộc rất quyết liệt.
Từ vụ vải năm 2018, ngay khi phía Trung Quốc có yêu cầu về vấn đề tem nhãn, quy cách đóng gói, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc, Bắc Giang đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) để bắt tay ngay vào việc triển khai đáp ứng các yêu cầu của phía Trung Quốc. Nhờ đó trước thềm vụ vải năm 2019, toàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất khâu cấp mã số vùng trồng (gần 150 mã số vùng trồng tập trung và 86 cơ sở đóng gói).
Việc thống nhất đối với mẫu mã tem nhãn truy xuất nguồn gốc, thông tin bao bì cũng đã được tỉnh hỗ trợ các cơ sở đóng gói, các DN xuất khẩu triển khai đầy đủ. Vì vậy đến vụ thu hoạch vải năm 2019, đã đảm bảo không để bất kỳ một vùng trồng vải nào không thể XK được sang Trung Quốc.
Hiện nay, Sở NN-PTNT Bắc Giang cũng thường xuyên phối hợp với Cục BVTV để có cơ chế xử lí ngay khi phía Trung Quốc có những yêu cầu phát sinh (nếu có), đồng thời triển khai các công tác nhằm mở thêm cho các sản phẩm nông sản, trái cây khác có triển vọng XK sang thị trường Trung Quốc...
Song song đó, khâu xúc tiến thương mại cho quả vải là vấn đề mà không chỉ ngành nông nghiệp, mà lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã miệt mài, bền bỉ triển khai nhiều năm qua chứ không chỉ năm 2019 mới làm. Theo đó đều đặn hàng năm, lãnh đạo tỉnh đều trực tiếp chủ trì các hội nghị kết nối giao thương với phía Trung Quốc cho quả vải ngay từ đầu vụ tại các tỉnh cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai. Thậm chí còn có các hội nghị kết nối giao thương tại Bằng Tường (Quảng Tây) để quảng bá, kết nối tiêu thụ cho quả vải.
Chưa dừng lại, UBND tỉnh còn đều đặn hàng năm mời hàng trăm DN, thương nhân và các cơ quan liên quan của phía Trung Quốc sang Bắc Giang tổ chức hội nghị giao thương, trực tiếp tổ chức các đoàn khảo sát, tham quan cho hàng trăm thương nhân, cơ quan chức năng của phía Trung Quốc tại vùng vải thiều Lục Ngạn.
Ở đó, bên cạnh được trực tiếp “mắt thấy tai nghe” về vùng trồng vải, tỉnh Bắc Giang sẽ giải thích, trả lời tất cả những vấn đề mà phía bạn còn băn khoăn, từ khâu tổ chức SX theo quy trình nào, chất lượng ra sao, giám sát các điều kiện về vệ sinh ATTP, sử dụng thuốc BVTV, đóng gói, sơ chế thế nào...
Trước đây, nhiều DN, thương nhân Trung Quốc vẫn còn “lơ mơ” về quả vải của Bắc Giang, thì qua những sự kiện đó, họ đã hiểu cặn kẽ, qua đó tạo được lòng tin cũng như mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với DN phía Việt Nam...
Đến mùa vụ, Bắc Giang luôn sớm đề ra các kịch bản, kế hoạch bài bản cho tiêu thụ quả vải, xác định rõ cơ cấu thị trường tiêu thụ, nội địa bao nhiêu, tiêu thụ ở đâu, xúc tiến thế nào; thị trường XK thì ở đâu, mỗi nơi chiếm bao nhiêu %... và có kế hoạch rõ ràng để việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi nhất. Đối với thị trường Trung Quốc, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các thương nhân Trung Quốc sang tổ chức thu mua vải, từ khâu ăn ở, tạm trú, bố trí hậu cần phục vụ thu mua, sơ chế đóng gói, bao bì nhãn mác, vận chuyển..., đảm bảo giao thông, an ninh.
Hàng năm, sau mỗi vụ thu hoạch vải thiều, Bắc Giang tổ chức đánh giá tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm để chỉ đạo cho năm sau. Bên cạnh kinh nghiệm từ việc làm tốt quy hoạch, ổn định diện tích vải, tập trung SX theo GAP, Bắc Giang đã đẩy mạnh đổi mới tổ chức SX. Theo đó, chuyển dần từ SX nhỏ lẻ sang SX tập trung, hình thành chuỗi liên kết từ SX đến tiêu thụ vải thiều. Thành lập các HTX, tổ hợp tác, chi hội SX và tiêu thụ vải thiều, kết nạp hàng ngàn thành viên tham gia để đảm bảo yêu cầu pháp nhân kinh tế, thống nhất quy trình áp dụng KH-KT vào SX. Hiện toàn tỉnh đã có 706 HTX, trong đó có 432 HTX nông nghiệp, 400 tổ liên kết hợp tác SX với trên 3.000 thành viên, 30 chi hội SX và tiêu thụ vải thiều. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bao bì, tem nhãn để nhận biết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Kinh nghiệm năm 2019 cho thấy vải thiều Bắc Giang được đóng hộp, đóng túi đẹp, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ đáp ứng được yêu cầu của thị trường XK nói chung, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. (Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang) |
DƯƠNG THANH TÙNG
(GĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn