Một số hộ sản xuất đã chủ động tham gia hội chợ tìm đầu ra cho sản phẩm |
Nỗi lo đầu ra cho sản phẩm
Trong một lần đi công tác qua xã Minh Thanh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tôi vô cùng ngạc nhiên khi được thưởng thức những trái thanh long ngọt lịm, vỏ mỏng, thơm ngon. Vậy nhưng, vừa giơ máy ảnh định chụp thì bà chủ vườn thanh long đã chối đây đẩy: “Không cần quảng bá, giới thiệu đâu, mọi người lại thi nhau trồng, khi đó bán cho ai”. Phản ứng của người phụ nữ dân tộc Tày – người trồng cũng là người trực tiếp bán thanh long - tuy hơi cực đoan, nhưng nó cũng cho thấy phần nào tâm lý của người sản xuất nông nghiệp hiện nay, đó là nỗi lo về việc sản xuất xong sẽ không tiêu thụ được sản phẩm.
Không phản ứng mạnh như người phụ nữ Tày, nhưng người đàn ông dân tộc Mông, anh Lý A Vàng mà tôi gặp ở xã Sa Lông (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) cũng khá lo lắng, vì theo lời anh kể, cây dứa mang về trồng hợp đất Mường Chà nên quả dứa to, ngọt và thơm. Trước kia, khi có ít hộ trồng thì dứa rất đắt hàng, giá cao, thương lái đến mua tận vườn. Nay mọi người đua nhau trồng, giá dứa hạ trông thấy, nhiều hộ phải mang sang huyện khác, tỉnh khác mới tiêu thụ được.
Không chỉ là lo lắng, mà thực tế cũng đã cho thấy nhiều vụ nông dân kêu cứu khi sản phẩm không biết bán ở đâu, trong đó có thể kể đến gừng, bắp cải của đồng bào Mông ở Hà Giang, hay cà rốt trồng xong doanh nghiệp không đến thu mua ở xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai)… Thậm chí, nhiều người nông dân còn khẳng định, họ không ngại phải thực hiện quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Lo nhất vẫn là sản phẩm làm ra bán cho ai, giá cả thế nào?
Cần lắm những mô hình liên kết
Mấy năm trở lại đây, với sự quan tâm của Nhà nước, việc chuyển đổi mô hình kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp đã tạo nên những thay đổi không nhỏ trong các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp… Thay vì sản xuất manh mún, thủ công - nay sản xuất hàng hóa đã hướng mạnh vào việc nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Đến nay, riêng khu vực Tây Bắc, nhiều loại nông sản đã được khẳng định về chất lượng như: Cam (Hà Giang, Hòa Bình), bưởi (Phú Thọ), na (Lạng Sơn), xoài, bơ, mận
(Sơn La)… Nhiều vùng cây ăn quả đã tạo sức sống mới, nâng cao đời sống cho nhiều hộ đồng bào dân tộc. Tại các vùng cây ăn quả ở Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đồng bào Tày, Thái đã biết trồng rau quả theo quy trình VietGap, GlobalGAP, kỹ thuật SRI, cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy thu hoạch. Tư duy canh tác kiểu mới đã giúp nhiều nông dân DTTS trở thành tỷ phú với thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, trong quá trình bắt tay vào sản xuất hàng hóa, người nông dân vẫn đang phải loay hoay với việc đi tìm nơi tiêu thụ, vì đa số các doanh nghiệp mới tích cực tham gia khâu cung ứng giống, vật tư; khâu tiêu thụ đa số vẫn do người nông dân gặp đâu bán đấy, dẫn đến tính bền vững trong sản xuất chưa cao. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch ở các địa phương vùng sâu, vùng xa phần lớn ở dạng sơ chế nên giá trị của các sản phẩm của đồng bào còn thấp.
Theo đó, để nông dân yên tâm sản xuất, rất cần nhân rộng các mô hình liên kết để việc tiêu thụ được bài bản, có kế hoạch và có giá trị cao hơn. Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở vùng Tây Bắc đang phát huy tác dụng, người dân yên tâm mở rộng sản xuất và có đầu ra ổn định cho sản phẩm như: Mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của Công ty ty Pacific tại tỉnh Hòa Bình; ký kết tiêu thụ cam giữa Công ty TNHH một thành viên Cao Phong Hòa Bình với Tổng Công ty CP Sông Hồng; Công ty TNHH Chè Hùng Cường huyện Vị Xuyên đầu tư giống phân bón, kỹ thuật và thu mua sản phẩm chè tươi của nông dân Hà Giang để chế biến và tiêu thụ. Công ty An Vi, Công ty Bình Minh 3, Công ty Cổ phần DK Phakma tại huyện Quản Bạ (Hà Giang) đầu tư trồng và thu mua dược liệu.
Theo Hoàng Mai/baocongthuong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn