Hiện nay Bộ NN-PTNT đang tập trung khuyến khích, hỗ trợ đẩy mạnh, phát triển phân bón hữu cơ. |
Theo Chỉ thị số 117 (ban hành ngày 7/1), phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, hàng năm được sử dụng với số lượng lớn trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Việc sản xuất và sử dụng phân bón cân đối, đúng cách góp phần tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản và duy trì độ phì nhiêu của đất.
Phát triển phân bón hữu cơ là hướng đi tất yếu của nông nghiệp Việt Nam kể cả trước mắt và lâu dài. Trong thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp để phát triển phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng phân bón mất cân đối còn phổ biến, việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ chưa tương xứng với nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.
Để tăng cường hơn nữa việc phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị:
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực phân bón: Luật Trồng trọt, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về quản lý phân bón, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Thông tư số 16/2019/TT-BNNPTNT ngày 01/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, Thông tư số 09/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/8/2019 của Bộ NN-PTNT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón.
Ưu tiên kinh phí cho hoạt động khoa học công nghệ, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ theo các nội dung quy định tại Điều 4, Điều 6 Luật Trồng trọt, Điều 16 Nghị định số 109/2018/NĐ-CP.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất - sử dụng phân bón hữu cơ phù hợp, hiệu quả để áp dụng tại địa phương.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón tại địa phương; phát hiện và xử nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và gây bức xúc trong xã hội.
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương, đơn vi trực thuộc Bộ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển phân bón hữu cơ. |
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật ưu tiên, hỗ trợ các hoạt động về đăng ký mới, mở rộng quy mô, nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ.
Tăng cường hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt.
Xây dựng tài liệu và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập huấn nâng cao nhận thức, tư duy của người dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ. Chủ trì xây dựng chương trình, đề tài, dự án, hợp tác quốc tế nhằm thu hút đầu tư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phân bón hữu cơ.
Cục Trồng trọt, chỉ đạo, giám sát và hướng dẫn các địa phương áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là sử dụng phân bón hữu cơ.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về nông nghiệp hữu cơ quy định tại Nghị định số 109/2018/NĐ-CP, Thông tư số 09/2019/TTBNNPTNT, chủ trương, định hướng về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, ưu tiên phê duyệt đề tài, dự án: Tiêu chuẩn phương pháp thử đối với các chỉ tiêu chất lượng phân bón, đặc biệt là các chỉ tiêu chất lượng về vi sinh vật, chất điều hòa sinh trưởng, chất tăng hiệu suất sử dụng, chất tăng miễn dịch cây trồng; về tăng hiệu suất sử dụng phân bón, tỷ lệ bón hợp lý giữa phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ theo nhóm đất, cây trồng; phân bón đất hiếm, phân bón nano; điều tra, đánh giá thực trạng, chất lượng nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.
Thanh tra Bộ NN-PTNT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về sản xuất, kinh doanh, chất lượng phân bón, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón chưa được công nhận lưu hành; thông báo công khai tổ chức, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Trung tâm Khuyến nông quốc gia, ưu tiên các dự án khuyến nông về sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ. Tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất, biện pháp sử dụng phân bón cân đối, an toàn và hiệu quả.
Phát triển phân bón hữu cơ là xu hướng tất yếu của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. |
Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu về khoa học đất và dinh dưỡng cây trồng, tỷ lệ bón hợp lý giữa phân bón vô cơ và hữu cơ, phân bón có chất tăng hiệu suất sử dụng, phân bón có chất điều hòa sinh trưởng, phân bón có khả năng tăng miễn dịch cây trồng, phân bón có đất hiếm phân bón nano.
Xây dựng tiêu chuẩn phương pháp thử đối với các chỉ tiêu chất lượng phân bón. Điều tra, đánh giá thực trạng, chất lượng nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.
Các doanh nghiệp, hiệp hội, đẩy mạnh xây dựng, tổ chức áp dụng các mô hình, chuỗi liên kết hiệu quả trong sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ hiệu quả, chất lượng cao gắn liền với nguồn nguyên liệu sẵn có của Việt Nam. Cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống phân phối nhằm cung cấp tại chỗ, giá thành hợp lý.
Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vận động, hướng dẫn doanh nghiệp thành viên từng bước chuyển dần sang sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ.
Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ.
Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp, các ngành, thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện các nội dung trên và thường xuyên báo cáo về Bộ NN-PTNT (qua Cục Bảo vệ thực vật) kết quả thực hiện cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị này để phối hợp giải quyết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn