“Nhất giống” vẫn chưa đủ
Người nuôi tôm thường có câu: “Nhất giống, nhì thì, tam tri, tứ thủy” để nói tầm quan trọng số một của con giống trong vụ nuôi sau đó đến thời tiết mùa vụ (thì), kiến thức về nuôi tôm (tri) và chất lượng nước (thủy). Điều đó càng được khẳng định khi thời gian qua tôm bị chết tại nhiều địa phương trong cả nước với đủ hình thức nuôi từ quảng canh đến thâm canh, cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo thống kê và báo cáo của các địa phương, có nhiều nguyên nhân làm cho tôm chết trong đó chủ yếu chất lượng con giống thả nuôi không đạt yêu cầu. Vì vậy, quản lý chất lượng tôm giống từ khâu đầu vào là tôm bố mẹ (khai thác hoặc nhập khẩu), đến đầu ra là chất lượng postlarvae phải là khâu quan trọng mấu chốt trong chuỗi sản xuất từ con giống đến thành phẩm xuất khẩu.
Người nuôi hoang mang về chất lượng tôm giống hiện nay - Ảnh: Phan Thanh Cường
Năm 2011, thống kê cả nước có 656.426 ha nuôi tôm, trong đó có 623.377 ha là nuôi tôm sú và 33.049 ha nuôi TTCT. Chỉ tính riêng với TTCT, một đối tượng đang được nuôi nhiều hiện nay theo tính toán mỗi năm cần khoảng 30 tỷ con giống sạch bệnh. Tuy nhiên, nguồn TTCT bố mẹ sạch bệnh được nhập khẩu có chất lượng tốt chỉ đáp ứng được phân nửa nhu cầu. Một phần không nhỏ trong số con giống có chất lượng tốt là do các doanh nghiệp chủ động sản xuất phục vụ cho các trại nuôi của doanh nghiệp nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Vì vậy, con giống sạch bệnh trở nên khan hiếm, người nuôi phải tìm các nguồn cung cấp giống khác ẩn chứa nhiều rủi ro bởi không được kiểm soát về chất lượng. Khi người nuôi sử dụng tôm giống chất lượng thấp (cả tôm sú và TTCT) nếu không bị chết thì tôm cũng chậm lớn và mắc nhiều bệnh, do đó phải sử dụng nhiều thuốc và hóa chất để trị bệnh nên người nuôi có lãi ít còn doanh nghiệp khi mua phải tôm nhiễm hóa chất chỉ còn biết “kêu trời”.
Giải pháp
Nghề sản xuất tôm giống của nước ta hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn như sự khan hiếm về nguồn tôm bố mẹ (chủ yếu là tôm sú bằng hình thức khai thác ngoài tự nhiên). Nguồn giống này khó kiểm soát được chất lượng, nhất là sự thoái hóa, cận huyết. Nguồn TTCT bố mẹ chủ yếu là nhập khẩu từ các nước như: Thái Lan, Singapore, Indonesia và Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cơ sở nào để đánh giá chất lượng thực sự của nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu này ngoài niềm tin của các doanh nghiệp nhập khẩu với nhà cung cấp thông qua sức sinh sản và tỷ lệ sống của tôm khi chuyển về Việt Nam. Trong khi đó việc sản xuất tôm sú giống cũng gặp nhiều khó khăn như giá cả đầu vào tăng từ giá tôm bố mẹ, thức ăn, thuốc. Đặc biệt, theo một chủ doanh nghiệp sản xuất tôm giống có tiếng ở Bạc Liêu: Hiện, trứng Artemia làm thức ăn cho tôm Postlarvae có giá rất cao nên nhiều cơ sở không sử dụng loại thức ăn quan trọng này (nhằm giảm chi phí) cũng là nguyên nhân khiến cho chất lượng tôm giống giảm đáng kể. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở cho tôm bố mẹ sinh sản nhiều lần/năm làm cho chất lượng con giống ngày càng kém đi.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp lớn, đang chủ động đảm bảo con giống chất lượng tốt bằng cách đầu tư vốn và kỹ thuật vào sản xuất khép kín, tuy nhiên đây chỉ là con số ít. Còn lại đa số những người nuôi tôm, những người sẽ đóng góp chính vào con số xuất khẩu 6,5 tỷ USD của ngành thủy sản vẫn đang “loay hoay” tự tìm kiếm nguồn giống có chất lượng. Và những gì đã diễn ra trong thời gian qua cho thấy hiện đang còn nhiều bất cập trong việc quản lý chất lượng con giống, rất cần sự quản lý chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước để ngành tôm phát triển bền vững, đóng góp vào thành công của ngành thủy sản Việt Nam nói chung.
>> Năm 2011 vừa qua, lần đầu tiên Trung tâm nhân giống (thôn Sơn Hải, Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận), đã cho ra đời 500 cặp tôm sú giống bố mẹ sạch bệnh, cung cấp cho các trại giống trong tỉnh và ở Tây Nam bộ. Đây là kết quả hợp tác của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I và Công ty Moana, là một công ty cải tiến gen di truyền học làm về tôm sú, với nguồn gen di truyền sạch bệnh lớn nhất và đa dạng nhất cho tôm sú. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn