Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hà Xuân Minh – Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết, là xã nằm ở miền núi phía Tây của huyện Đại Lộc nên điều kiện phát triển còn những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, từ khi có chủ trương xây dựng NTM, Đại Hưng như được tiếp thêm sức mạnh và ngày càng có những bước tiến đáng kể trên tất cả các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng cũng như đời sống.
Lấy các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế vườn và chăn nuôi làm đòn bẩy phát triển đã giúp cho hàng trăm bà con nông dân trên địa bàn xã Đại Hưng có thu nhập cao và vươn lên làm giàu. Ảnh: Đ.N
Phấn khởi trước sự thay da đổi thịt của quê hương mình, ông Nguyễn Văn Nhân - Trưởng thôn Thái Sơn vui mừng nói, từ ngày có chương trình xây dựng NTM đến nay, diện mạo nông thôn ở Thái Sơn có nhiều đổi mới, đường sá thông thoáng, sạch đẹp hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và ngày một nâng cao. |
“Tuyên truyền vận động là khâu quan trọng trong công tác xây dựng NTM, có ý nghĩa quyết định đến sự thành công trong việc thực hiện phong trào, vì thế trong những năm qua, Ban chỉ đạo của xã đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Nhờ đó, nhận thức trong từng cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương xây dựng NTM ngày càng nâng lên và tích cực tham gia...” – ông Minh chia sẻ.
Nhờ công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả, nhiều phong trào ở Đại Hưng diễn ra khá sôi động, như: Xây dựng nhà đại đoàn kết và mái ấm tình thương của phụ nữ; xây dựng Quỹ Vì người nghèo; tặng kế sinh nhai cho phụ nữ và nông dân nghèo; phong trào nghĩa tình đồng đội của cựu chiến binh; hội trại "Tiếp lửa truyền thống", tổ chức “Tháng thanh niên”, phong trào Tết vì người nghèo, heo đất tiết kiệm, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân…
Còn ông Tăng Tấn Tịnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM đến nay, địa phương đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn, cơ sở vật chất, trường học, trạm y tế, điện… được đầu tư đồng bộ và khang trang hơn trước.
“Những năm qua Đại Hưng đã xây dựng được 8,086km đường liên xã, 16,5km đường liên thôn, 10,8 km kênh mương, nhìn chung hệ thống đường giao thông, thủy lợi trên địa bàn đã đáp ứng được nhu cầu đi lại và phục vụ sản xuất của nhân dân. Hiện nay 10/10 thôn đều đã có nhà văn hóa thôn, tuy nhiên một số nhà văn hóa đã xuống cấp cần được nâng cấp, sửa chữa. Năm 2017 xã đã sửa chữa 10 phòng học Trường Tiểu học Trương Đình Nam, xây dựng nhà văn hóa xã (xây mới hội trường và các phòng chức năng) tổng nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Nhiều tuyến đường giao thông nội đồng được đầu tư xây dựng”- ông Tịnh thông tin.
Đòn bẩy từ các mô hình
Theo ông Tịnh, song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng, xã luôn chú trọng đến việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Xác định nâng cao thu nhập cho bà con là nhiệm vụ trọng tâm trong, vì thế thời gian qua Đại Hưng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhờ đó kinh tế của xã tiếp tục tăng trưởng khá.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã Đại Hưng đã xây dựng nhiều mô hình, đề án phát triển kinh tế hiệu quả như: Mô hình cánh đồng mẫu 59,1ha tại thôn các thôn Mậu Lâm (7,8ha); Trung Đạo (15,5ha); Trúc Hà A (15,5ha); Trúc Hà B (10,3ha); Trúc Hà C (10ha)... năng suất bình quân đạt từ 60-70 tạ/ha; Mô hình trồng bưởi da xanh, trồng mít hương, chăn nuôi bò, heo; nuôi gà đẻ trứng, nuôi cá... Ngoài ra xã còn một số mô hình trồng cây hoa màu khác đem lại hiệu quả kinh tế cao, như cây lạc, cây đậu xanh, ớt, thuốc lá, dưa hấu...
Lão nông Nguyễn Hạt - chủ trang trại ở thôn Thái Sơn ở xã Đại Hưng chia sẻ, thôn Thái Sơn nằm về bờ bắc sông Côn. Với diện tích vườn rộng, việc phát triển vườn cây ăn quả là thích hợp nên ông đã vào tận Đăk Lăk, Lâm Đồng để học hỏi kinh nghiệm và lựa chọn cây giống để đầu tư.
“Sau khi khảo sát và tìm hiểu những loại cây phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng ở quê, tôi quyết định chọn phát triển cây quýt đường, trồng trên diện tích hơn 5.500m2. Thực tế, quýt sai trái, chất lượng tốt, được giá. Từ khi trồng quýt đến khi chặt phá trồng mới là 8 năm, bình quân thu về lợi nhuận mỗi năm trên 150 triệu đồng” - ông Hạt vui mừng nói.
Theo ông Tịnh, ở khắp các thôn của xã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế hiệu quả cao. Mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng, nuôi cá và nuôi ếch của hộ anh Trần Quang Đức (thôn An Tân) cho lợi nhuận ròng hàng năm từ 150-200 triệu đồng; hay mô hình trồng mít lai của hộ anh Trần Hiệp ở thôn Thái Sơn, thu nhập hàng năm trên 100 trệu đồng…
Đến nay xã Đại Hưng đã đạt 11/19 tiêu chí NTM, trong năm 2017 dự kiến hoàn thành thêm 2 tiêu chí về giáo dục và y tế. Đại Hưng phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đạt chuẩn xã NTM.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn