Những bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo tiêu chuẩn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường do lượng thuốc thừa thẩm thấu ra ngoài.
Nhằm giảm tình trạng người dân vứt bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, gây ảnh hưởng tới môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng 1.200 bể rác thải chứa thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có 25 bể đảm bảo tiêu chuẩn. Số lượng bể còn lại không đảm bảo được tiêu chuẩn, do đó lượng thuốc tồn đọng vẫn bị thẩm thấu vào môi trường.
Bể chứa vỏ thuốc BVTV bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Xưa nay, việc vứt bừa bãi vỏ bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tại các cánh đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã trở thành thói quen của nhiều nông dân. Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường bởi dư lượng hóa chất BVTV còn sót lại trong các bao bì, chai lọ đựng thuốc.
Dù có bể chứa nhưng người dân vẫn vứt vỏ thuốc ngoài đồng ruộng. Để hạn chế tình trạng vứt vỏ thuốc BVTV trên đồng ruộng, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động xây dựng 607 bể chứa vỏ thuốc BVTV tại các cánh đồng. Tuy nhiên, trên các dòng kênh nội đồng, bên bờ cỏ... vẫn thường bắt gặp các vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc sau sử dụng được vứt bừa bãi khắp nơi.
Toàn tỉnh Quảng Ninh có tới 1116 bể chứa vỏ thuốc BVTV không đảm bảo tiêu chuẩn theo thông tư 05. Anh Nguyễn Văn Duyên, một người dân chia sẻ bà con địa phương thường có thói quen tiện đâu vứt đấy, dù biết là độc hại.
Không chỉ ở thị xã Đông Triều, nhiều địa phương khác cũng trong tình trạng có bể chứa vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng nhưng người dân vẫn vứt ngoài đồng ruộng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là bởi việc bố trí các bể còn khá bất tiện như: đặt xa khu vực sản xuất, xa đường giao thông, cửa bỏ rác vào bể quá nhỏ... dẫn đến tình trạng có bể nhưng nông dân chưa thu gom vào bể.
Còn bà Đỗ Thị Vui, thôn Yên Lãng 3, xã Yên Thọ, thị xã Đông Triều cho rằng việc để mỗi nơi một thùng gây ra sự bất tiện cho người dân khi sử dụng.
Điều đáng nói, toàn tỉnh Quảng Ninh có 1.141 bể đựng vỏ thuốc BVTV nhưng chỉ có 25 bể tại TP Hạ Long là đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và môi trường. Còn lại các bể không đạt tiêu chuẩn như: Bể không có đáy, nắp đậy nhưng lại đục lỗ, diện tích bể nhỏ... do đó lượng thuốc tồn đọng vẫn bị thẩm thấu vào môi trường.
Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có đề nghị các địa phương lập dự án xây dựng bể chứa theo thông tư 05 nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có một địa phương nào lập dự án, mà mới chỉ dừng lại ở công tác rà soát, thống kê. Cửa bể nhỏ gây khó khăn cho người dân mỗi khi bỏ vỏ thuốc vào bể.
Ông Nguyễn Trung Thành - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Ninh cho biết: "Bể xây trước năm 2016 lại không theo hướng dẫn thông tư, do vậy những bể không đạt tiêu chuẩn phải khắc phục lại như bể đạt tiêu chuẩn. Để cho các địa phương triển khai thực hiện đúng như theo thông tư 05 Ủy ban tỉnh thì đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhắc nhở các địa phương nhanh chóng tiến hành, các địa phương cũng rất nhiều việc cho nên làm dự án thu gom thì hầu hết địa phương đều nói là chưa làm được”.
Nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp, việc xây mới và cải tạo các bể chứa vỏ, bao bì thuốc BVTV có thiết kế đạt chuẩn là việc làm hết sức cần thiết. Đồng thời, các ngành chức năng cũng cần thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con nông dân thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi đã sử dụng vào đúng nơi quy định để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường sống./. Theo Nguyễn Phương - Mỹ Dung/vov.vn