Ông Quỳnh Ngọc Minh với sản phẩm xơ dừa
Xa vắng thời hưng thịnh
Theo như các cụ cao niên ở đây cho biết: Nghề dệt thảm xơ dừa ở Cửu Lợi bắt đầu từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Có một thời cả nước, Bắc - Trung - Nam đều dùng giây dừa Tam Quan. Từ sợi giây cột nhỏ nhất đến sợi neo to bằng cùm chân để neo tàu, neo ghe. Dụng cụ thủ công từ tấm thảm chùi chân, gáo múc nước bằng sọ dừa, vỏ bình trà bằng vỏ dừa...
Có một thời người ta còn khéo tay dùng sọ dừa làm ra muỗng ăn cơm, chén tô, bát... Đó là vào những năm sau giải phóng khi hợp tác xã (HTX) hoạt động mạnh, thảm xơ dừa ở Cửu Lợi Tây phát triển rầm rộ nhất, xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu, Liên Xô, Pháp…Nhờ đó mà cuộc sống của người dân nơi đây được mệnh danh là giàu có nhất tỉnh Bình Định. Từ đầu tới cuối làng, trên bến dưới thuyền, nhà nhà làm nghề dệt thảm xơ dừa, cả làng có tới 85% hộ làm dệt thảm xơ dừa, nhà cửa mọc lên san sát, đem lại cuộc sống trù phú…
Nổi tiếng là vậy, tuy nhiên sau khi HTX ngừng hoạt động vào khoảng năm 1987 và các nước Đông Âu tan rã, thảm xơ dừa cũng lắng lại. Và từ đó đến nay, cái làng nghề nổi tiếng từ bao đời đang dần chìm vào lãng quên, nhưng giờ đây về Cửu Lợi người ta không còn được chứng kiến từ người già đến thanh niên cột kẹt bên khung dệt. Không còn cảnh tấp nập, ồn ã của những chuyến xe tải, ghe bầu dọc bên sông Tam Quan chở nguyên liệu đến, xuất sản phẩm đi.
Khó khăn cho những người giữ nghề
Là người đã hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt thảm xơ dừa đến năm 1997, ông Võ Trung (52 tuổi), thôn Cửu Lợi Tây kể: "Liên tục những chuyến hàng nặng được chở bằng ghe bầu và xe tải đi khắp nơi từ Bắc chí Nam, không nơi nào là không có dấu vết của xe tải và ghe buôn dầu dừa, thảm xơ dừa Cửu Lợi. Sản phẩm độc đáo không nơi nào làm được. Nay hết rồi, gia đình tôi phải tìm nghề nuôi tôm để mưu sinh”.
Qua tìm hiểu, năm 2005 có tới 6 cơ sở sản xuất thô và xơ dừa. Đến nay, cả xã chỉ còn 3 cơ sở sản xuất thô và một xưởng dệt thảm xơ dừa chỉ có gần 100 lao động tham gia với số khung dệt hoạt động không quá 30/165 khung dệt hiện có. Bình quân mỗi ngày người công lao động chỉ làm được từ 40 nghìn – 50 nghìn đồng/ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến cho làng nghề rơi vào cảnh mất nghề. Theo như bà Đỗ Thị An – Phó chủ tịch hội Nông dân xã Tam Quan Nam cho biết: " Hiện nay, người dân rất thụ động và khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Vì vậy, thường bán cho tư thương với giá rất rẻ, nhiều cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa, những người thợ dệt có tay nghề đã bỏ hoặc tìm công việc khác. Đặc biệt là lớp trẻ bây giờ họ tìm cách thoát ly khỏi quê hương. Muốn giữ được nghề độc đáo này cần nhiều sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương, nhất là trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm”.
Trao đổi với ông Trần Ngọc Dũng- Phó chủ tịch xã Tam Quan Nam về hướng giải quyết khó khăn và bế tắc làng nghề, ông Dũng cho biết, xã Tam Quan Nam đã chủ động triển khai biện pháp "xã hội hóa” và đề nghị với cấp trên có chính sách để tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống cho người nông dân, duy trì và phát triển làng nghề. Trong năm 2007, khi được công nhận làng nghề, xã Tam Quan Nam xây dựng 1.250m đường bê tông với kinh phí 450 triệu đồng, với mục đích tạo lòng tin cho nông dân. Với chính sách thực hiện "xã hội hóa” từ năm 2004 đến nay, đã kêu gọi được một số tổ chức đầu tư như: Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Viện nghiên cứu dầu thực vật TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ cơ sở sản xuất Ngọc Chung 80 triệu đồng. Sở công nghiệp, Trung tâm khuyến nông tỉnh đầu tư 142 triệu đồng và mở 2 khóa đào tạo nghề với tổng kinh phí 145 triệu đồng... Những chính sách đề ra nhằm khắc phục tình thế với nhiều hy vọng khởi sắc, hồi sinh cho làng nghề.
Tuy nhiên với sự đầu tư manh mún và thiếu đồng bộ này, đến nay, không khí ảm đạm vẫn bao trùm Cửu Lợi, "không thị trường, không vốn”, người dân bỏ nghề, làng nghề sẽ mất. Đó cũng là những trăn trở của người dân ở Cửu Lợi về tương lai làng nghề. Chia tay Cửu Lợi, ám ảnh trong tôi là những lời chia sẻ tự đáy lòng của nghệ nhân Nguyễn Văn Giáp (53 tuổi) "không biết có bao nhiêu người còn có thể tiếp tục giữ nghề được. Tôi sợ đến một ngày bản thân tôi cũng phải rời khỏi khung dệt, vì miếng cơm manh áo và bọn trẻ lớn lên chỉ được biết đến một làng nghề dệt thảm xơ dừa qua hồi ức mà thôi!
Phạm Nhài
Nguồn:ddk.vn