Sáng 3/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bạc Liêu diễn ra Hội nghị “Các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm bền vững”, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Sản lượng tăng
Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) cho biết, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 5 tháng đầu năm gần 637.000 ha, bằng 102,5% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là hơn 582.000 ha, tôm thẻ chân trắng 54.500 ha. Sản lượng thu hoạch gần 195.000 tấn, trong đó, sản lượng tôm sú 85.655 tấn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) Trương Đình Hòe cho biết, giá tôm giảm tập trung vào tháng 4/2018, giảm nhiều ở cỡ tôm 80 - 100 con/kg đối với tôm thẻ chân trắng, chủ yếu ở ĐBSCL; miền Trung và miền Bắc tôm thẻ chân trắng giảm nhẹ hơn.
Sự sụt giảm giá tôm toàn cầu liên tục trong thời gian qua bởi tồn kho cao, cùng với đó là một số bất ổn chính trị tại Trung Đông. Ngoài ra, Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm. Trong khi đó sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng ở một số nước sản xuất tôm lớn đều tăng, nguồn cung dồi dào. Các nhà nhập khẩu đã nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá còn người dân có tâm lý bán tháo.
Theo đại diện Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi và sản lượng thu hoạch tăng chủ yếu từ tôm thẻ chân trắng. Nguyên nhân diện tích thả nuôi tôm thẻ chân trắng tăng là do cuối năm 2017, giá tôm nguyên liệu tăng cao, nhất là tôm thẻ chân trắng, người nuôi trúng mùa lại được giá. Do đó, người nuôi tập trung thả tôm thẻ chân trắng, nhiều hộ nuôi đã chuyển từ tôm sú thâm canh và bán thâm canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Công nghệ nuôi được cải tiến, một số quy trình nuôi tiên tiến được áp dụng, đã góp phần tăng sản lượng tôm nuôi.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm đạt trên 1 tỷ USD (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2017), trong đó tôm nước lợ đạt hơn 916 triệu USD (tôm thẻ chân trắng: 687 triệu USD, tôm sú: 229 triệu USD), còn lại là tôm biển. Các thị trường nhập khẩu chính như: EU (18,6%), Nhật Bản (17,2%), Hoa Kỳ (15,7%), Trung Quốc (14,9%), Hàn Quốc (11,7%). |
Giá tôm thẻ giảm mạnh
Theo đánh giá, giá tôm sú nguyên liệu từ đầu năm đến nay vẫn ổn định ở mức cao (cỡ 30 con/kg giá dao động từ 225.000-250.000 đồng/kg). Tuy nhiên giá tôm thẻ thì giảm mạnh, từ tháng 4 đến nay giảm 10.000-30.000 đ/kg tùy theo cỡ tôm. Trung bình tháng 4, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg tại ĐBSCL ở mức 85.000 đ/kg, giảm 9.000 đ/kg so với trung bình tháng 3. Sang tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng tiếp tục giảm xuống mức 78.000 đ/kg, giảm 7.000 đ/kg so với trung bình tháng 4. Tôm thẻ chân trắng nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC…), nuôi trong ao lót bạt có giá cao hơn tôm nuôi trong ao đất. Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu nước ta cũng tương tự diễn biến giá tôm nguyên liệu tại một số nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, bước vào năm 2018 với nhiều dự báo của các chuyên gia, các Tổ chức Quốc tế như FAO, GAA… nuôi tôm ở nhà quốc gia rất thuận lợi. Sản lượng ước tính tăng từ 10-20% khiến giá tôm trên thị trường giảm.
Các chuyên gia cho rằng, thường người nuôi tôm sẽ thu hoạch tôm khi đạt size 30-50 con/kg, nhưng đầu năm 2018 với tâm lý bất ổn về giá nên người nuôi đã thu hoạch sớm khi tôm đạt size 70-100 con/kg. Tôm thu hoạch cỡ nhỏ dẫn đến năng suất chế biến ở các nhà máy giảm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Người dân bình tĩnh trước tình hình giá tôm hiện nay. Đối với người nuôi thâm canh thì không nên bán tôm cỡ nhỏ. Bà con nuôi ao đất cần điều chỉnh về quy trình nuôi. Đối với các doanh nghiệp đầu vào nên xem đây là cơ hội rà soát lại quản trị để hạ giá thành đi đôi với nâng cao chất lượng, để nuôi dưỡng thị trường lâu dài theo hướng bền vững. Các doanh nghiệp chế biến phải chia sẻ khó khăn với người nuôi, coi người nuôi là bạn hàng bền vững của mình. Đối với các tỉnh, công tác quản lý phải thật chặt chẽ, cùng với các cơ quan ngành dọc, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con ngay lúc này càng phải tập trung về quy trình, theo dõi dịch bệnh, kiểm soát chất lượng và liên kết sản xuất theo chuỗi để không bị động. Cơ quan chuyên môn cần tổng kết những mô hình mới. Hiện nay, bà con nông dân phát triển nhiều mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, ổn định, cần tiếp tục tận dụng thời cơ, khắc phục những khiếm khuyết, phát huy nguồn lực của chúng ta. |
Giá sẽ tăng trở lại vào tháng 6Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng GĐ Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: Với giá tôm nguyên liệu hiện tại rất rẻ sẽ kích thích tiêu dùng. Từ giữa tháng 5/2018, đã có dấu hiệu khách hàng bắt đầu mua vào, và tăng mạnh vào cuối tháng. Cụ thể, cuối tháng 5 Tập đoàn Minh phú đã ký hợp đồng với khách hàng được gần 10.200 tấn với giá trị xuất nhập khẩu tương đương 110 triệu USD. Dự kiến từ tháng 6 đến tháng 10, lượng hàng Minh Phú bán ra mỗi tháng sẽ tăng từ 20-50% so với lượng hàng ký hợp đồng trong 5 tháng đầu năm. Trong thời gian tới sẽ xuất hiện dấu hiệu “nguồn cung thiếu so với nhu cầu thị trường” và giá tôm sẽ tăng trở lại. |
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Nếu so sánh giai đoạn từ năm 2010 – 2017 thì diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh tăng từ 125.767 ha lên gần 139.000 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng từ 149.281 tấn lên gần 211.000 tấn; giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản từ 14.396 tỷ đồng lên gần 24.660 tỷ đồng. Bạc Liêu là tỉnh ven biển với 56 km bờ biển và một ngư trường khai thác rộng tên 40.000 km2, có tổng diện tích nuôi trông thủy sản kế hoạch 2018 là hơn 140.000 ha. Ngoài ra, Bạc Liêu là trung tâm sản xuất giống thủy sản lớn nhất vùng ĐBSCL, với 188 cơ sở sản xuất giống; 120 cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; 1 nhà máy sản xuất thức ăn; 1 Cty chuyên sản xuất vi sinh và sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. |
Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn