Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNTT) Cao Đức Phát vừa có chỉ thị số 7285, yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý chất cấm trong chăn nuôi đặc biệt là chất salbutamol (chất tạo nạc) và xử lý mạnh tay với những trường hợp vi phạm.
Theo đó, Bộ triển khai tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, trang trại, lò mổ và các chợ.
Việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Một trang trại chăn nuôi lợn ở Khoái Châu, Hưng Yên. |
Đặc biệt, chú ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung tại các cơ sở sản xuất thức ăn. Tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi cần kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt.
Đối với các lò mổ, cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận, nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ. Các chợ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận của lợn và bò thịt.
Ngoài ra, các địa phương tuyên truyền về nguy hại của chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm, hành động này phải bị cộng đồng, dư luận tố giác và tẩy chay.
Đồng thời Bộ trưởng Phát cũng yêu cầu xử lý thật nghiêm các vi phạm về sản xuất kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 57/2012/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT và Điều 155 Bộ Luật hình sự quy định đối với hành vi sản xuất kinh doanh, sử dụng hàng cấm gây hậu quả nghiêm trọng.
Chỉ thị mới của Bộ NN&PTNT được ban hành khi gần đây tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bùng phát.
Tại TP. HCM, đoàn Thanh tra Bộ NNPTNT đã kiểm tra 227 mẫu nước tiểu của 55 hộ giết mổ, phát hiện 31 mẫu dương tính với hoạt chất cấm, sử dụng trong chăn nuôi là salbutamol từ l80 – 1.300ppb, cao gấp nhiều lần so với quy định.
Tại Đồng Nai, qua kiểm tra 44 trại chăn nuôi, thì có 14 trang trại có lợn dương tính với salbutamol, Tiền Giang 25 mẫu, Bến Tre 4 mẫu, Tây Ninh 2 mẫu dương tính với salbutamol.
Đặc biệt, một số ông lớn trên thị trường ngành chăn nuôi cũng liên quan tới chất cấm là Công ty Anco (Đồng Nai) và Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (C.P).
Mặc dù vậy, hình thức xử phạt cho việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ dừng ở mức độ hành chính với cơ sở bị xử phạt cao nhất là 442 triệu đồng.
Đánh giá về hướng ngăn chặn chất cấm trong chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Hiện nay, người dân thường sử dụng 3 chất cấm chính, trong đó chủ yếu là chất salbutamol, mà các chất này ngành nông nghiệp đã cấm nhưng ngành y tế vẫn sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn nên rất khó cho công tác kiểm soát và quản lý. Do đó, rất cần Bộ Y tế có giải pháp tăng cường việc kiểm soát nhập khẩu, quản lý và sử dụng chất này”.
Theo Cúc Phương/baodatviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn