Nhiều nhà ở cho người có công với cách mạng được đầu tư trên cả 100 triệu đồng, rất khang trang.
Bốn giải pháp triển khai nhanh
Với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ được giao chủ trì triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, Bộ Xây dựng kiến nghị 04 giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chương trình giai đoạn 2 với hơn 291.000 hộ gia đình có công với cách mạng đang gặp khó khăn về nhà ở.
Theo Bộ Xây dựng, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 để có cơ sở cấp kinh phí hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng. Bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với người có công với cách mạng với tổng số 7.540 tỷ đồng, bao gồm: 7.300 tỷ đồng cho số hộ được tổng hợp đến tháng 8/2016 và 240 tỷ đồng cho số hộ phát sinh thêm từ tháng 8/2016 đến tháng 9/2016.
Đối với các trường hợp phát sinh thêm sau ngày 30/9/2016 thì các địa phương có trách nhiệm chủ động bố trí từ nguồn ngân sách hàng năm của địa phương để thực hiện hỗ trợ. Đồng thời, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và HĐND các cấp chủ động kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng tại địa phương theo đúng quy định của Quyết định 22/2013 và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính chủ động cân đối nguồn ngân sách trung ương, báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để thực hiện hỗ trợ cho các hộ gia đình còn lại của giai đoạn 2, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện chính sách theo đúng quy định và báo cáo đầy đủ, kịp thời, thường xuyên về tình hình thực hiện chính sách với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan.
Về phương án xử lý một số trường hợp cụ thể, Bộ Xây dựng cho rằng, đối với các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí mà đã tự ứng trước để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thì tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách để hoàn trả cho các hộ gia đình này. Dự kiến sẽ cấp ngay trong năm 2017 sau khi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
Đối với trường hợp người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì được hỗ trợ theo mức quy định tại Quyết định 22 để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở (áp dụng tương tự như chính sách hỗ trợ về nhà ở cho cán bộ lão thành cách mạng quy định tại Quyết định số 20/2000/QĐ-TTg ngày 03/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ). Không áp dụng hỗ trợ theo Quyết định 22 đối với trường hợp người có công với cách mạng mà cả vợ và chồng đều đã mất.
Cần cấp kinh phí kịp thời
Theo đánh giá của các địa phương và cử chi cả nước, thời gian qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo NQ494 và Quyết định 22 đã được Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và luôn quan tâm chỉ đạo cũng như kịp thời có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện được hiệu quả, các địa phương đã có nhiều cố gắng triển khai nhanh chóng, kịp thời, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan, hiện nay cơ bản đã thực hiện tốt giai đoạn 1 của Quyết định 22 và đều thống nhất nhận định đây là chính sách an sinh xã hội quan trọng, giúp cải thiện về nhà ở cho người có công với cách mạng được tốt hơn.
Tuy nhiên, số lượng người có công với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở liên tục có biến động theo hướng tăng, nhiều địa phương vẫn tiếp tục rà soát và bổ sung các hộ gia đình cần hỗ trợ về nhà ở nên việc tổng hợp, báo cáo của các bộ, ngành gặp nhiều khó khăn, liên tục biến động (riêng số liệu tháng 9/2016 cũng đã tăng thêm 8.280 hộ so với tháng 8/2016). Một số địa phương thực hiện quy trình rà soát, xét duyệt đối tượng và cấp vốn còn chậm, thực hiện chế độ báo cáo chưa kịp thời, chưa đầy đủ, việc rà soát, kiểm tra, xác định đối tượng và hiện trạng về nhà ở nhiều nơi làm thiếu chặt chẽ, chưa bám sát quy định.
Bên cạnh đó, việc cấp kinh phí từ ngân sách Trung ương còn chậm và phải chia thành nhiều đợt dẫn đến việc thực hiện kéo dài so với kế hoạch ban đầu. Nhiều địa phương không bố trí kinh phí quản lý 0,5% theo quy định nên các cơ quan gặp khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai và giám sát việc thực hiện.
Rút kinh nghiệm từ đợt triển khai chương trình giai đoạn 1, kỳ vọng, kinh phí ngân sách Trung ương cấp cho hơn 291.000 hộ gia đình trong giai đoạn 2 của chương trình sớm được bố trí.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng số hộ được hỗ trợ trong giai đoạn 1 là 80.000 hộ. Tính đến hết tháng 9/2016, có 75.600 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ, còn 4.400 hộ đang triển khai thực hiện (dự kiến hoàn thành trong năm 2016). Tổng kinh phí đã cấp đủ để thực hiện hỗ trợ cho 80.000 hộ là 2.758 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 2.516 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 242 tỷ đồng, Cấp theo 04 đợt: Đợt 1 vào ngày 30/10/2013, đợt 2 vào ngày 18/9/2014, đợt 3 vào ngày 02/12/2014 và đợt 4 vào ngày 01/8/2015. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn