Thay thế cho cây cà phê năng suất thấp bằng cây dược liệu đương quy, một hộ gia đình dân tộc thiểu số K’Ho ở Lán Tranh, xã Ðưng K’Nớ, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đang vươn lên thoát khỏi lối mòn trong sản xuất.
Trồng đương quy trên sườn đồi dốc ở xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.Quỳnh
Giữa buổi sáng, từ mảnh vườn xanh ngắt của gia đình ông K’Long Ha Hai thuộc thôn Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ đã phảng phất mùi thơm nồng nàn đặc biệt của dược liệu. Trên sườn đồi, thay vì những gốc cà phê như các hộ xung quanh, ông Ha Hai đang chăm sóc một loại cây khá đặc biệt: cây đương quy. Đây không phải loài cây quá mới với nông dân Lâm Đồng bởi ở các vùng Lâm Hà, Đơn Dương và ngay cả huyện Lạc Dương cũng đã có nhiều hộ trồng loại cây này. Nhưng với thôn Lán Tranh và cả xã Đưng K’Nớ, gia đình ông Ha Hai là một trong những hộ đầu tiên trồng loại cây này và kết quả ban đầu dự báo một vụ thu hoạch khả quan.
Ông Ha Hai kể, nguyên trước đây mảnh vườn này ông cũng như nhiều hộ khác đều trồng cà phê Arabica. Nhưng đất dốc, cây cà phê cho trái không bao nhiêu nên khi cháu ruột ông là anh Jami đề nghị hợp tác trồng cây đương quy, ông đã nhanh chóng đào từng gốc cà phê, làm sạch vườn để xuống giống.
Ông Ha Hai cho biết: “Vườn đương quy này được trồng thành hai lứa, một lứa từ tháng 9 năm trước, một lứa sau vài tháng. Nói chung hiện thấy cây phát triển rất tốt, hy vọng khi thu hoạch sẽ cho củ to, được giá”. Nước tưới cho đương quy được lấy từ mạch nguồn chảy quanh năm từ Vườn quốc gia, qua hệ thống tưới tự động tới từng luống đương quy. Điều khá ấn tượng là cây đương quy trồng ở Đưng K’Nớ không thấy bệnh hay sâu, không cần phun xịt nên ít tốn công sức. Chỉ thời gian ban đầu, khi cây còn nhỏ, người chăm sóc phải thường xuyên làm cỏ, còn khi cây đủ lớn, tán giao phủ luống thì không còn cỏ nên tốn ít công chăm sóc. |
Để trồng loại cây dược liệu, gia đình đã phải đầu tư hệ thống tưới tự động, một điều khá xa xỉ ở vùng đất dốc xa xôi này. Tháng 9/2017, những cây đương quy con đầu tiên được trồng xuống thửa vườn khô. Không phụ lòng người, dưới bàn tay chăm sóc của người nông dân, cây đương quy vươn cành bén rễ, tỏa mùi thơm nồng nàn suốt những trưa nắng cao nguyên.
Anh Jami, người mạnh dạn hợp tác đưa cây đương quy về vùng sâu Đưng K’Nớ đã bỏ chi phí đầu tư hệ thống tưới, giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm, còn ông Ha Hai góp đất, công chăm sóc. Cây đương quy là cây trồng hoàn toàn mới, chưa có ai ở Đưng K’Nớ từng canh tác nên cả hai đều không biết kết quả sẽ ra sao. Cả hai đều chấp nhận sẽ gặp rủi ro và đã có kế hoạch xử lý nếu đương quy không hợp đất dốc.
Song, sau 6 tháng xuống giống, hiện cây đương quy cho thấy rất hợp với Đưng K’Nớ, mức độ sinh trưởng không kém những vùng đất trồng đương quy như Lâm Hà hay Đơn Dương. Vì vậy, việc thu hoạch củ khả quan là điều anh Jami và ông Ha Hai tin tưởng.
Anh Jami cho biết, anh đã tìm được đầu mối tiêu thụ củ đương quy với giá ổn định và theo anh tính toán, trồng đương quy cho thu nhập tốt hơn cà phê rất nhiều. Với chưa tới 3 sào đất dốc, cây đương quy cho thu gấp đôi cà phê, chưa kể mức đầu tư thấp hơn và không nặng công xá vào vụ thu hoạch.
Anh Liêng Hót Ha Chú, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đưng K’Nớ đánh giá, đây là một mô hình rất đột phá của nông dân trong xã. Anh chia sẻ, bà con Đưng K’Nớ chỉ quen làm cà phê, bắp, không quen với cây trồng lạ.
Nhưng từ khi nhà ông Ha Hai trồng đương quy, bà con xung quanh đều rất quan tâm, và nếu mô hình này thành công sẽ giúp bà con mạnh dạn tiếp cận giống cây mới. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt khi thăm vườn đương quy của gia đình ông Ha Hai cũng khẳng định, việc hai người nông dân mạnh dạn phá bỏ diện tích cà phê năng suất thấp, trồng một loại cây dược liệu mới là tín hiệu đáng mừng trong tư duy của nông dân, sẵn sàng vươn lên, sẵn sàng thay đổi vượt khó thoát nghèo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn