Nhưng không hiếm khi có chuyện gây bức xúc hay thiệt hại lớn cho người dân thì các tranh cãi như thế lại diễn ra. Những lúc đó, bộ ngành nào cũng có cơ sở, ai cũng có đủ lý do để cho mình đúng.
Câu chuyện chất cấm dùng tạo nạc trong chăn nuôi tiếp tục nóng lên. Nó không còn nóng bởi sự tràn lan của chất độc gây hại cho người, không nóng bởi những thiệt hại mà nông dân phải gánh chịu mà đang nóng hơn hết bởi những sự khác nhau về việc quản lý và sử dụng chất này của ngành y tế và ngành nông nghiệp.
Khi việc chất tạo nạc bị phát hiện đã gây chấn động toàn xã hội, Bộ NN - PTNT đã kiểm tra, xử lý, trấn an dư luận. Đồng thời cơ quan này cho biết, chất tạo nạc đã bị ngành nông nghiệp cấm từ lâu, tuy nhiên chất này lại nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế để làm thuốc điều trị... Dù không kết luận nhưng xem ra đây là nghi vấn về sự hiện diện và sử dụng tràn lan chất cấm dùng để tạo nạc trong chăn nuôi.
Trong khi những tranh cãi trong chuyện này chưa dứt thì bất ngờ công an đã phát hiện một lượng lớn nguyên liệu nhập khẩu dùng trong chăn nuôi có có chứa chất tạo nạc bị cấm. Số nguyên liệu này lại được Bộ NN - PTNT cho phép nhập khẩu.
Ngay lập tức, Bộ NN - PTNT đã khẳng định thứ nguyên liệu có chứa chất cấm kia là một loại sản phẩm được phép nhập khẩu theo các quy định rất rõ ràng. Đó là sản phẩm đăng ký và được đưa vào danh mục được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi không chứa chất cấm sử dụng. Tuy nhiên, việc một số sản phẩm này trên thị trường được phát hiện có chứa chất cấm sử dụng để tạo nạc thì vẫn chưa được làm rõ.
Trong khi các bộ đang lo tranh cãi về những vấn đề trong việc quản lý và sử dụng các chất cấm nhằm đảm bảo rằng mình đúng và đã hết trách nhiệm thì một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng sử dụng chất cấm nói chung và chất tạo nạc nói riêng đã có từ lâu và cho đến bây giờ vẫn không được xử lý triệt để.
Trong khi các quan chức đang viện dẫn đủ các văn bản, quy định để chứng minh đúng sai trong các quyết định của mình thì người chăn nuôi đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại khi thịt lợn mất giá, chăn nuôi thua lỗ. Còn người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải sử dụng sản phẩm nhiễm bẩn và độc hại.
Chuyện nước thấm qua Thủy điện Sông Tranh 2 lại tiếp tục nóng lên. Cuối tháng trước, Bộ Công thương đã tuyên bộ đập Thủy điện này an toàn, lãnh đạo Bộ Công thương cam kết chịu trách nhiệm về tuyên bố của mình và cho biết sẽ khắc phục xong trước ngày 15/4. Tuy nhiên, gần đến hạn cuối cùng thì những khảo sát của các nhà khoa học cho thấy nước thấm qua đập Sông Tranh 2 cao gấp 5 lần cho phép và đây thực sự là một điều bất thường.
Trước đó, ngay sau khi Bộ Công thương tuyên bố đập an toàn thì tỉnh Quảng Nam vẫn bày tỏ sự lo lắng về những nguy cơ mà con đập có thể gây ra cho người dân. Và với thực tế hiện nay thì lo ngại đó là hoàn toàn có cơ sở.
Câu chuyện Sông Tranh 2 chưa dễ dàng kết thúc vào ngày 15/4 như Bộ Công thương tuyên bố mà chắc chắn sẽ còn nhiều tranh cãi kéo dài. Chỉ khổ cho hàng ngàn hộ dân ở hạ lưu con đập lại tiếp tục sống trong sợ hãi khi quả "bom nước" vẫn treo trên đầu ngày đêm đe dọa tính mạng và tài sản của mình.
Còn nhớ vào cuối năm 2011, Bộ NN - PTNT và Bộ Tài Nguyên môi trường cũng xảy ra tranh cãi xung quanh danh sách các sinh vật xâm hại đến môi trường có đề cập đến con tôm thẻ chân trắng. Bộ Tài nguyên môi trường đưa con tôm này vào danh sách gây hại, cần phải loại trừ; còn Bộ NN l- PTNT lại ủng hộ nuôi tôm này.
Trong khi hai bộ tranh cãi nhau về việc có nên du nhập và nuôi loài tôm này hay không thì trên thực tế, tôm thẻ chân trắng đã du nhập và được nuôi phổ biến ở Việt Nam cả chục năm trời mà chưa có tác hại gì nghiêm trọng cho thấy đây là loài xâm hại nguy hiểm.
Các bộ cứ tiếp tục tranh cãi nhau, còn người nuôi tôm bất ngờ trở thành nạn nhân có nguy cơ bị thiệt hại lớn. Số là đến thời điểm đó, tôm thẻ chân trắng đã du nhập và phát triển thành vật nuôi phổ biến với diện tích hàng chục ngàn ha, đóng góp tới một nửa trong doanh số gần tỷ USD xuất khẩu tôm. Việc tranh cãi kéo dài khiến nông dân chẳng ai dám yên tâm đầu tư dù biết đó là con tôm mang về bạc tỷ.
Xa hơn và đau lòng nhất là câu chuyên tranh cãi về thông tin bão và hướng dẫn cứu hộ trong cơn bão số 1/2006 giữa các bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông vận tải và Thủy sản. Cơn bão năm đó, do nhận định và dự báo không chính xác, thông tin và hướng dẫn không kịp thời đã khiến nhiều tàu thuyền và ngư dân bị nhấn chìm ngoài biển khơi.
Lật tìm lại nguyên nhân, các bộ đã ra sức cãi nhau. Bộ Thủy sản lên tieensgveef các đề xuất về dự án thông tin nghề cá không được đáp ứng; Bộ Kế hoạch phản lại rằng dự án đó không đáp ứng là có lý do và hiện đã có một dự án khác hoàn toàn có thể phục vụ thông tin cho nghề cá nhưng đề xuất nhiều lần không thấy phản hồi. Còn Bộ Giao thông - người quản lý dự án thông tin cũng lên tiếng là đã nhiều lần đề xuất và cung cấp thông tin những không thấy Bộ Thủy sản phản hồi...
Thảm họa đau lòng đã xảy ra, đến khi tì lại nguyên nhân và trách nhiệm thì các bộ lại cãi nhau kịch liệt. Ai cũng có lý, ai cũng đúng và... Nhưng xem ra mọi thứ đã quá muộn, và việc tranh cãi chỉ thêm đau lòng khi có hàng chục tàu thuyền và hàng trăm ngư dân bị cơn bão nhận chìm dưới biển sâu.
Ở Việt Nam, có hàng chục bộ ngành và mỗi đơn vị đều được phân chia lĩnh vực quản lý và chịu trách nhiệm cụ thể. Đối với những vấn đề liên ngành, Chính phủ cũng giao rõ người chịu trách nhiệm chính, những đơn vị phối hợp để thực hiện... quy định rõ như thế nhưng vẫn liên tục xảy ra những tranh cãi liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành trong những vấn đề liên quan.
Nhưng không hiếm khi có chuyện gây bức xúc hay thiệt hại lớn cho người dân thì các tranh cãi như thế lại diễn ra. Những lúc đó, bộ ngành nào cũng có cơ sở, ai cũng có đủ lý do để cho mình đúng. Tranh cãi thật nhiều và gay gắt... nhưng trong những cuộc tranh cãi đó người ta thường không bàn đến những gì mà người dân phải gánh chịu.
Thậm chí, những cuộc tranh cãi như thế trở nên rùm beng trong các cuộc họp, hội thảo, trên báo chí cho thấy nó dường như chiếm nhiều tâm trí khiến các bên quên mất những thiệt hại và mất mất người dân gánh chịu. Và trong những cuộc tranh cãi đó những giải pháp xử lý, hỗ trợ dân thường cũng mờ nhạt. Thế là, các bộ cứ cãi, còn người dân cứ cố chịu vậy.
Theo ipsard.gov.vn