Quang cảnh buổi đối thoại trực tuyến
Cuộc đối thoại được truyền hình trên internet, phát thanh trực tiếp trên Hệ Thời sự Chính trị- Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng như đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân trong nước, bà con Việt kiều, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Độc giả Trần Thị Thu Nga (Ứng Hòa, Hà Tây): Xin Bộ trưởng cho biết là ngành chịu trách nhiệm thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình lên. Với tình trạng báo động về quy hoạch đất đô thị, đất nông nghiệp thiếu chuyên nghiệp hiện nay. Ông có nghĩ là Bộ cũng có phần chịu trách nhiệm?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Xin cám ơn Cổng TTĐT Chính phủ dành cơ hội cho tôi đối thoại trực tuyến với nhân dân cả nước. Tôi rất kỳ vọng qua cuộc đối thoại những vấn đề đặt ra sẽ phần nào giải đáp được.
Vấn đề quy hoạch sử đụng đất rất được quan tâm, có tác động tới việc sử dụng đất có hiệu quả, tiết kiệm, Tôi khẳng định trách nhiệm của Bộ trong việc thực hiện Luật Đất đai, Nghị định 181, Nghị định 69, các văn bản này đều nói rõ Bộ có trách nhiệm thẩm định quy hoạch sử dụng đất của các địa phương…
Chị Nga có nêu một ý là hiện quy hoạch sử dụng đất đang có vấn đề, cần phải tiếp tục xem xét, rút kinh nghiệm. Tôi rất đồng tình với ý kiến quy hoạch xây dựng có tình trạng thiếu tính chuyên nghiệp, có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng đội ngũ cán bộ địa chính nhât là ở địa phương còn nhiều hạn chế… Dĩ nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ.
Thời gian qua, việc quy hoạch sử dụng đất có nhiều văn bản quay định, thông tư hướng dẫn của Bộ, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất đai hiệu quả tiết kiệm, tạo nguồn lực phát triển. Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch sử dụng đất bộc lộ nhiều hạn chế, đây là trách nhiệm của cả hệ thống, trong đó trách nhiệm của chúng tôi rất lớn.
Sự yếu kém thể hiện phục vụ chiến lược phát triển còn nhiều hạn chế, tầm dự báo từ xa còn kém. Quy hoạch cách làm vẫn chưa bài bản, bó gọn trong địa phương nhất định, tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng còn hạn chế… Như các tỉnh đều muốn có sân bay, cảng biển, KKT… trong khi một vùng chỉ cần 1 công trình là đủ giải quyết nhu cầu. Tôi cho đây là một vấn đề cần sớm xem xét, hết sức chú ý phân bố nguồn lực đất đai, chú ý tới tính lien kết vùng, không gian như thế nào…
Về trách nhiệm của chúng tôi, thấy rõ trách nhiệm, trong thẩm định quy hoạch phải làm tốt hơn, nghiêm ngặt hơn, đạt các yêu cầu đặt ra, phối hợp với các ngành làm tốt thẩm định… Tôi cho rằng cần chú ý tới đội ngũ cán bộ địa chính các cấp mang tính chuyên nghiệp, đảm bảo yêu cầu đặt ra trong câu hỏi của bạn.
Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới trong công tác này. Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội quy hoạch sử dụng đất 10 năm tới, khắc phục được nhưng mặt yếu tôi đã nêu.
Vũ Mậu Trịnh (Đông Hưng, Thái Bình); Nguyễn Trọng Thắng [thang_kcs258@...com.vn]; Hoàng Thủy hoangthuyhanoi@...com]: Tới năm 2013 sẽ hết thời hạn giao đất nông nghiệp 20 năm theo NĐ 64. Vậy đất nông nghiệp trong thời gian tới sẽ được xử lý như thế nào, thưa ông? Làm thế nào để việc gia hạn đất nông nghiệp cho người dân tiếp tục sử dụng được thuận tiện, bớt thủ tục hành chính? Vì hiện nay tại nông thôn rất bất cập có trường hợp chết 8 năm nay vẫn còn ruộng và ngược lại có trường hợp sinh ra 8 năm nay vẫn không có ruộng mà là hộ nghèo và cận nghèo.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Trường hợp này được rất nhiều người quan tâm. Chúng tôi cũng đã tham mưu cho Chính phủ các giải pháp đối với trường hợp này. Trong luật đất đai 1993 (sửa đổi năm 2003) có quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp như đất trồng cây ngắn ngày và đất nuôi trồng thủy sản, làm muối, trồng cây lâu năm... Mốc thời điểm tính từ năm 1993. Thời hạn sử dụng là 20 năm. Như vậy, sáng năm sau, 2013 là tròn 20 năm. Bà con rất quan tâm bây giờ xử lý như thế nào? Có tiếp tục cho sử dụng hay chia lại ruộng đất?
Tôi xin nói rằng, vừa qua, Bộ TNMT đã bàn, báo cáo Chính phủ và sẽ trình lên Quốc hội. Về thời hạn sử dụng đất, về thẩm quyền quyết định, theo luật, thuộc về Quốc hội. Do đó, việc quy định thời hạn sử dụng đất tiếp theo cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong khi chưa sửa Luật năm 2003 thì chúng ta vẫn áp dụng luật hiện hành. Hiện tại cũng phát sinh vấn đề khi giao dịch ngân hàng (như dùng sổ đỏ để thế chấp), với thời hạn sử dụng đất còn ngắn, thì sẽ tiến hành như thế nào?
Theo Luật đất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm là năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Thẩm quyền là thuộc Quốc hội, nhưng chúng tôi sẽ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội theo hướng như vậy. Việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn.
Tuy nhiên, có một số loại đất không thuộc đối tượng trên, như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, họ cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về thủ tục gia hạn gia hạn, Chính phủ đã giao Bộ TNMT nghiên cứu, xây dựng. Chúng tôi đang chuẩn bị thông tư hướng dẫn.
Một vấn đề nữa, khi thời hạn sắp hết, đối với loại đất nêu trên, có tiếp tục cấp sổ đỏ hay không? Tôi xin trả lời, theo luật hiện hành, tiếp tục cấp sổ đỏ. Đây là nhu cầu thường xuyên, chính đáng. Còn thời hạn thì theo quy định tại khoản 1 điều 67 của Luật đất đai 2003, tức là 20 năm tính từ năm cấp quyền sử dụng đất. Như vậy, các Ngân hàng yên tâm cho người nông dân vay vốn sản xuất, không gây đứt ngoãng.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải đáp thắc mắc của độc giả
Quan điểm chúng tôi là đất nông nghiệp là giao ổn định, lâu dài, tuy nhiên, có điều chỉnh nhất định trong trường hợp cần thiết, như trường hợp ở Thái Bình. Hiện nay, chúng ta tiến hành dồn điền đổi thừa thì có sắp xếp lại đất đai, liên quan đến nhiều vấn đề trong đó có xây dựng nông thôn mới. Có thể có điều chỉnh nhất định đối với một số trường hợp nhất định như gia đình có người mất, không làm nông nghiệp nữa, chuyển đi nơi khác. Theo tôi, với trường hợp này, cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng nữa thì Nhà nước sẽ thu hồi.
Tiến tới năm 2020, lao động nông nghiệp chỉ chiếm 30-35%, các vấn đề đất nông nghiệp sẽ không còn quá bức xúc.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đây là một nhu cầu đang được chậm đáp ứng, Tôi đề nghị đồng chí Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai trả lời.
Cục trưởng Trần Hùng Phi: Về câu hỏi của bà Út, tôi xin trả lời như sau: Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2011, Bộ đã phối hợp, kiểm tra tình hình việc cấp giấy chứng nhận nhà ở tại Hà Nội và TPHCM. Qua kiểm tra, tình hình cấp giấy nhìn chung rất chậm như bà phản ảnh.
Có nhiều nguyên nhân, từ phía đầu tư, từ cơ quan Nhà nước từ người dân. Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư là lớn nhất, nhiều dự án vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng như xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán xong...
Về phía cơ quan Nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư chưa chặt chẽ, để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm, chưa cương quyết, chủ động... Một số trường hợp cơ quan chức năng từ chối thủ tục vì một số lý do chưa hợp lệ...
Về người mua nhà, nhiều dự án có mức độ chuyển nhượng mua đi bán lại với tỷ lệ lớn, trên dưới 70%, thông thường các trường hợp này chưa muốn làm thủ tục, trong đó có lý do ngại làm thủ tục sẽ phải chịu thuế, phí, đặc biệt là phí trước bạ.
Về giải pháp, Bộ sau khi hoàn thành kiểm tra đã báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1474/CT-TTg trong tháng 8/2011, đề cập giải pháp lâu dài và trước mắt. Về lâu dài, chỉ đạo địa phương chấn chỉnh ngay các dự án phát triển nhà ngay trong quá trình thực hiện, xử lý sớm các dự án có sai phạm.
Trước mắt, tập trung thanh tra kiểm tra các dự án có vướng mắc, theo nguyên tắc nếu ai sót về phía chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn sai phạm nếu không từ phía người mua nhà thì phải tìm cách cấp giấy chứng nhận cho họ.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Xin cảm ơn ý kiến thẳng thắn của độc giả.
Cơ quan chức năng tiếp nhận và kiểm tra thông tin từ dư luận. Đối với công chức, viên chức, thực hiện Luật công chức viên chức phải thực thi pháp luật.
Việc làm như độc giả nêu là trái pháp luật. Pháp luật đã quy định, xử lý theo điều 141, 144 của Luật đất đai. Tôi đề nghị, việc này, các tỉnh, thành, đặc biệt là cơ quan trực tiếp quản lý, phải có quy chế, cơ chế kiểm tra giám sát cán bộ mình.
Việc này có thể thông qua các sở, phòng địa chính, rà lại các sổ đỏ, kiểm tra, gắn với đó là kiểm tra đội ngũ của chúng ta.
Tôi cho đây là việc rất cần thiết. Tôi cho rằng, cán các cơ quan quản lý phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để xử lý theo đúng pháp luật.
Trịnh Thúy Minh (Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội): Hiện nay đang có tình trạng phôi chứng nhận quyền sử dụng đất là thật nhưng số liệu là giả. Tình trạng này gây hoang mang trong việc mua bán bất động sản của người dân, Bộ trưởng nghĩ thế nào khi số phôi thất thoát này là nguyên nhân gây ra tình trạng tôi vừa nêu. Cảm ơn Bộ trưởng và chúc ông sức khỏe.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Chúng tôi xin nhận khuyết điểm trong vấn đề phôi này. Nhiều người tại đây hôm qua có thể được xem một clip về vấn đề sử dụng phôi sổ đỏ giả.
Có 2 trường hợp có thể xảy ra: hoặc phôi có serie mà lọt ra ngoài là liên quan tới việc quản lý của các Sở, hoặc các phôi đó là giả.
Hà Nội vừa qua có nơi làm mất phôi sổ đỏ, có nơi làm mất 483 chiếc có seri. Dư luận lo ngại người ta sẽ sử dụng cái này để làm thế chấp hoặc lừa đảo, có trường hợp nhà 5 tầng có 5 giấy khác nhau.
Phải nói rằng quy định hiện về vấn đề này khá chặt chẽ, nhưng thực tế vẫn diễn ra các trường hợp như đã nói. Chúng tôi đã có công văn nhắc nhở, đồng thời thông báo về số phôi bị mất để người dân cảnh giác. Đề nghị bà con nếu mua nhà đất, có thể kiểm tra tại cơ quan đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, theo tôi, các văn phòng công chứng có thể xác nhận thật giả của các sổ đỏ nếu liên lạc với các cơ quan đăng ký sổ đỏ.
Về việc xử lý những người có trách nhiệm, pháp luật đã có quy định và chúng ta phải tiến hành theo luật.
Nguyễn Bích Vân (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi): Hiện nay một số công trình của nhà nước đang trong tình trạng khó khăn về giải phóng mặt bằng. Chủ yếu là do giá tiền đền bù quá thấp. Ông nghĩ sao về khung giá của nhà nước đưa ra quá thấp và bất cập so với giá thị trường. Ông có biện pháp nào đưa giá bất động sản của thị trường về đúng với khung giá đất mà Bộ đưa ra hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Quả thật để đưa giá đất thị trường về đúng giá thực của nó thì khó khăn trong điều kiện kinh tế thị trường như hiện nay.
Vấn đề định giá đất theo quy định hiện hành, chúng ta có 3 loại.
Thứ nhất, khung giá do Chính phủ ban hành, quy định cho 3 địa bàn là đồng bằng, trung du, miền núi. Tính điển hình hết sức hạn chế.
Sau khung giá này, các tỉnh có xây dựng bảng giá, dưới bảng giá khi tính toán cụ thể đối với từng dự án cụ thể, có tính toán giá cụ thể cho đất của dự án đó.
Trong nghị định 69 đã nêu, giá sẽ xử lý theo đúng khung giá.
Tôi muốn nói rằng, khung giá này, mặc dù giá thấp như vậy, chúng ta đã xử lý theo Nghị định 69, nếu trường hợp tính bồi thường đối với mảnh đất thu hồi. Nếu giá chênh lệch so với giá thị trường quá nhiều thì được phép tính giá cụ thể.
Tôi đề nghị sau này, chúng ta nên tính tỷ giá như nào đó để cố gắng có tham khảo giá thị trường trong điều kiện bình thường.
Trong quá trình vừa rồi, chúng tôi có nghiên cứu và tham mưu, định hướng tới đây có thể Chính phủ chủ yếu quy định về nguyên tắc, tiêu chí, hướng dẫn kiểm tra thực hiện việc xây dựng giá, còn bảng giá có thể sẽ không còn. Phía Trung ương sẽ như vậy, chủ yếu là bảng giá của địa phương. Địa phương xây dựng bảng giá sẽ sát hơn.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu bỏ bảng giá của Trung ương đi, thì những vùng giáp ranh sẽ ra sao, như trường hợp Hà Nội và Vĩnh Phúc trong khi làm đường cao tốc đi Lào Cai. Vấn đề này xử lý như thế nào. Sau này chúng ta sẽ bàn cụ thể.
Quan trọng, sau này sẽ có cơ quan chuyên trách về giá, hiện chúng ta làm theo kiểu hội đồng gồm các cơ quan như tài nguyên môi trường, tài chính… Nhưng tới đây sẽ có cơ quan chuyên nghiệp. Khi giải quyết được vấn đề về giá thì theo tôi, các khiếu kiện sẽ giảm.
Độc giả Nguyễn Đăng Giáp, Cụm dân cư số 1, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội: Trước hết cho tôi gửi lời chào đến Bộ trưởng. Tôi xin hỏi Bộ trưởng một câu hỏi như sau: Tuần cuối tháng 3/2012, ở quê tôi, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội có tổ chức kê khai đất đai. Gia đình nhà tôi có một sổ đỏ (cấp năm 2002) quyền sử dụng đất 1035m2 đất, trong đó có 271m2 là đất ở, 760 m2 là đất ao vườn được ghi là hạn sử dụng là 50 năm. Tôi xin hỏi Bộ trưởng là tại sao đất được ghi là “ao vườn” trong sổ đỏ của gia đình tôi là do Tổ tiên nhà tôi mua được và để lại cho con cháu hơn 200 năm nay, không lấn chiếm của ai lại kê khai vào mục “đất nông nghiệp trồng cây lâu năm”, chứ không phải “đất ao vườn” như trong sổ đỏ. Nhân dân quê tôi đang rất bức xúc trước việc thành phố Hà Nội bắt buộc kê khai như vậy, không đúng với bản chất đất đai của gia đình tôi và nhân dân quê tôi. Rất mong nhận được sự quan tâm và trả lời của Bộ trưởng. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Xin mời ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai trả lời câu hỏi mang tính chất cụ thể này.
Vấn đề xác định đất vườn ao là đất ở đã được quy định rất cụ thể. Điều 87 Luật Đất đai quy định, nếu đất vườn ao hình thành trước 18/12/1980 là thời điểm Hiến pháp 1980 có hiệu lực thi hành, mà trong giấy tờ sử dụng đất ghi rõ diện tích thì đều được công nhận là đất ở.
Khi thực hiện Luật Đất đai năm 1993, chúng ta có công nhận một phần là đất thổ cư trước đây là đất ở, còn lại là đất vườn ao. Nghị định 181 năm 2004 đã xử lý vấn đề này với Điều 45, quy định nếu người dân đã được cấp giấy theo Luật 1993 nhưng chuyển mục đích sử dụng đất hoặc khi được Nhà nước thu hồi thì cũng sẽ được xem xét để chuyển quyền sử dụng hoặc được bồi thường.
Do đó, độc giả có thể tham khảo Điều 87 Luật Đất đai, Điều 45 Nghị định 181, Điều 14, 15 của Nghị định 84 để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Đa số các câu hỏi đều tập trung vào vấn đề đất đai
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính: Điều 31 Luật Đất đai quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất là căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thứ 2 là căn cứ vào dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạch cho phép thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết thêm: Vấn đề là chúng ta phải sử dụng đất tiết kiệm, theo quy hoạch, trong đó có liên quan đến vấn đề mà vừa rồi Chính phủ có thảo luận nghị định về quản lý đất lúa, đây là nghị định rất quan trọng. Tới đây Chính phủ sẽ ban hành.
Độc giả ở địa chỉ hòm thư ducchanh.nguyen@...com.vn: Ngày 25 tháng 6 năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Quy hoạch chi tiết khu du lịch Mỹ Khê.
Ông Đào Trung Chính: Thứ nhất, câu hỏi này chưa được rõ. Bạn cần nói rõ quy hoạch treo hay dự án treo…
Nguyễn Anh Tuấn – Biên Hòa- Đồng Nai [vietnam_arts@...com]: Thưa Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang. Nguyên trước đây, vào năm 1985 chúng tôi là những người thành lập tập đoàn, cũng như kêu gọi mọi người xây dựng khu phố mới và được UBND thành phố Biên Hòa chấp thuận bằng văn bản.
Chúng tôi được tập đoàn chia cho khu đất làm nhà ở, chuồng trại và sinh sống cho đến ngày này. Năm 1991, việc chăm nuôi không còn hiệu quả nữa, nên tập đoàn không còn hoạt động và chúng tôi tiếp tục sinh sống, làm ăn trên mảnh đất này cho đến nay. Vào năm 2004, UBND Thành phố Biên Hòa ra quyết định thu hồi khu đất của chúng tôi để giao cho một công ty xây dựng Trạm kinh doanh Xăng dầu. Và chúng tôi đã khiếu nại đến rất nhiều nơi nhưng không một cơ quan nào trả lời. Đầu tháng 3/2012 vừa rồi, UBND thành phố Biên Hòa ra quyết định buộc chúng tôi phải tháo gỡ nhà và bàn giao mặt bằng để giao cho công ty Xây dựng trạm Kinh doanh xăng dầu.
Chúng tôi xin hỏi Bộ trưởng: Việc ra quyết định thu hồi khu đất của chúng tôi đã và đang sinh sống từ năm 1985 đến nay của UBND thành phố Biên Hòa để giao cho một Công ty Xây dựng Trạm Xăng dầu như vậy có đúng pháp luật hay không ?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Xin mời Cục trưởng Cục Kinh tế phát triển quỹ đất Bùi Ngọc Tuân trả lời câu hỏi này.
Cục trưởng Cục Kinh tế phát triển quỹ đất Bùi Ngọc Tuân: Theo quy định, để ra quyết định thu hồi đất phải có căn cứ thu hồi đất. Căn cứ thu hồi đất căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, hoặc căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc điểm dân cư nông thôn.
Các trưởng hợp thu hồi đất được quy định tại Điều 38 Luật Đất đai, trưởng hợp bạn nêu được quy định tại Khoản 1 Điều 38. Khoản 1 Điều 38 quy định, Nhà nước thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Trưởng hợp của bạn liên quan đến mục đích phát triển kinh tế.
Điều 36 Nghị định 181 và Điều 2 Nghị định 17 quy định cụ thể hơn vấn đề này. Theo đó, Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong các trường hợp sau: Sử dụng đất để đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế; sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); sử dụng đất để thực hiện dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài; sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về khoáng sản; sử dụng đất để làm mặt bằng di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo yêu cầu bảo vệ môi trường hoặc theo quy hoạch; sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ công cộng bao gồm các công trình giao thông, điện lực, thuỷ lợi, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc, đường ống dẫn xăng dầu, đường ống dẫn khí…
Trường hợp bạn nêu không rõ thuộc hệ thống đường dẫn xăng dầu hay trạm kinh doanh xăng dầu nên không trả lời rõ được. Xin bạn cung cấp thêm thông tin.
Đình Đoàn – Bạc Liêu [badoibl@...com]: Trường trung học sư phạm Bạc Liêu chia cho cán bộ, giáo viên mỗi hộ một phần đất cất để nhà ở và sản xuất, cải thiện đồi sống và phải trả lại nhà tập thể cho trường bố trí chỗ ở cho giáo sinh từ trước năm 1993. Tôi đã cất nhà ở từ đó đên nay, có nộp thuế đất hàng năm, sử dụng ổn định, không tranh chấp, không vi phạm khoản 4 Điều 14 NĐ 84. Đầu năm 2010, Thành phố Bạc Liêu thu hồi đất của các hộ này để giao cho Doanh nghiệp tư nhân xây trường mẫu giáo tư thục nhưng không bồi thường tiền đất, không có quyết định thu hồi đất... Tôi hỏi thực hiện như vậy là đúng hay không? Tôi rất mong được trả lời. Cám ơn.
Cục trưởng Cục kinh tế phát triển quỹ đất Bùi Ngọc Tuân: Xin cảm ơn câu hỏi rất cụ thể của bạn.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, để thu hồi đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có quyết định thu hồi.
Thứ 2, khi thu hồi đất của người sử dụng đất hợp pháp, đủ các điều kiện theo quy định tại điều 8 nghị định 197, người sử dụng đất được bồi thường, hỗ trợ.
Trường hợp bạn hỏi ở đây liên quan đến trường hợp tổ chức sự nghiệp theo quy định tại điều 33 của Luật đất đai năm 2003, tổ chức sự nghiệp bao gồm trường học công, bệnh viện công… là thuộc đối tượng được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, theo quy định tại điều 8 của Nghị định 197, đây là trường hợp nhà nước không bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.
Trường hợp bạn nêu ở đây liên quan đến các hộ gia đình cá nhân mà được nhà trường chia đất, cho giáo viên, nhân viên nhà trường làm nhà ở trước năm 2003, thì ở đây liên quan đến Luật Đất đai năm 1987. Theo quy định của điều 13 Luật Đất đai 1987, trường hợp nhà trường chia đất của trường cho cán bộ, nhân viên làm nhà ở là trái quy định của pháp luật năm 1987. Vì vậy, theo quy định tại điều 8 Nghị định 197, trường hợp này không được bồi thường về đất nhưng được hỗ trợ. Mức hỗ trợ bao nhiêu thì do UBND tỉnh quyết định, mức cao nhất không được cao quá mức bồi thường mà Chính phủ đã quy định.
Phan Văn Thùy ở Vinh Nghệ An hỏi: Nghị định 84, Điều 21 quy định trường hợp tổ chức, công dân phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan nhà nước đã cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này. Nhưng ở nhiều địa phương các cơ quan không thực hiện theo đúng điều này?
Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê Trần Hùng Phi: Điều 21 Nghị định 84 quy định, tất cả các trường hợp phát hiện cấp quyền sử dụng đất có nghi vấn cần chuyển qua cho cơ quan thanh tra làm rõ, cấp có thẩm quyền sẽ thu hồi và thực hiện theo đúng quy định. Trưởng hợp bạn nêu đã có kiến nghị, đã thông báo nhưng cơ quan Nhà nước không thực hiện, rất mong bạn thực hiện quyền công dân là làm đơn khiếu nại, tố cáo tới cơ quan Nhà nước.
Cuong Vu viet <vuviet.cuong76@...com>: Kính thưa Bộ trưởng, việc khai thác và tinh chế Titan đã được nhà nước quản lý. Vậy Bộ trưởng cho biết việc khai thác và tinh chế Titan ngay tại trong Thành phố Huế (cơ sở sản xuất được đặt tại phường Phú Hậu - Thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế) gây ô nhiễm môi trường và có thể còn có cả phóng xạ trong không khí như thế hợp đúng với qui định của pháp luật về môi trường và tài nguyên khoáng sản? Xin thông tin thêm việc này bà con tại khu dân cư đã có kiến nghị nhiều (kể cả Thanh tra môi trường của Bộ) nhưng chưa có sự hồi âm. Xin cám ơn Bộ trưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Theo tôi được biết, cơ sở này đã tồn tại khá lâu rồi, từ trước khi có pháp lệnh về khoáng sản, trước 1989. Hiện, Công ty TNHH 1 thành viên của Thừa Thiên Huế đang tổ chức sản xuất và chế biến titan vẫn trên địa điểm cũ đó và theo quyết định từ năm 2006. Đối với cơ sở sản xuất mà đặt ngay trong thành phố thì đúng là sẽ có nhiều tác động đến môi trường, ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt của người dân… Việc tồn tại của cơ sở này, chúng tôi cho rằng, về mặt lịch sử thì chúng ta có thể chấp nhận được, nhưng cho đến nay thì trở thành vấn đề nhất là về môi trường, bụi bặm, ồn ào, chất thải, chất phóng xạ…
Về việc này, tôi được biết, vừa qua UBND thành phố Huế, các cơ quan chức năng của Huế cũng như Tổng cục môi trường của bộ đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra vấn đề bảo vệ môi trường của cơ sở này. Đây là việc làm thường xuyên. Vừa rồi, UBND thành phố Huế đã có chủ trương tiến hành di rời cơ sở sản xuất titan này ra vị trí khác phù hợp với yêu cầu sản xuất, đảm bảo môi trường, đảm bảo sức khỏe, sinh hoạt của bà con trong thành phố.
Khoảng năm 2014 thì việc di rời này sẽ hoàn thành. Việc này, chúng tôi sẽ giao Tổng cục môi trường, cơ quan thanh tra, các cơ quan chức năng của thành phố Huế giám sát việc này.
Như vậy, chúng tôi cũng mong muốn bà con ở Huế tiếp tục theo dõi, nếu việc di rời không hoàn thành theo đúng thời gian quy định thì chúng ta sẽ có những biện pháp để làm sao những hoạt động này không ảnh hưởng đến môi trường sinh hoạt chung của thành phố Huế.
Trần Thị Chung (Việt Trì - Phú Thọ): Bộ trưởng có biết hàng ngày trên các dòng sông, còn rất nhiều tàu hút cát lậu hoạt động. Hậu quả để lại thì thật khủng khiếp nhưng tôi thấy bao nhiêu năm nay vẫn không giảm bớt mà còn có chiều hướng tăng lên, hoạt động rầm rộ và tinh vi hơn. Đây là vấn nạn mà đời chúng tôi phải hứng chịu là sạt lở nhà cửa ven sông nhưng đời con cháu chúng tôi chắc còn phải chịu nhiều hơn thế nữa? Bộ trưởng có cách gì giải quyết vấn nạn này không? Có dám cách chức quan chức địa phương để xảy ra việc này hay không.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Thẩm quyền cách chức này thuộc về địa phương. Còn về việc độc giả nêu, tôi xin chia sẻ với nhiều hộ gia đình ven sông, tình trạng hút cát là tương đối phổ biến. Đây là một nhu cầu cho phát triển, đặc biệt là cho xây dựng, nếu làm tốt sẽ có 2 tác dụng, một là khơi luồng dòng chảy, tàu thuyền đi lại thuận tiện, hai là cát phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt, hậu quả rất lớn, như sạt lở bờ...
Điều quan trọng là vấn đề quản lý, Tổng cục Khoáng sản sẽ có quy định như thế nào đó về bảo vệ khoáng sản dưới dòng sông, thanh tra kiểm tra thường xuyên. Văn bản quy định đã tương đối đầy đủ, vấn đề là thực thi, nhất là địa phương thực thi, như thế nào ? Một con tàu khai thác cát lù lù trên sông thì sao lại nói là không biết ?
Thứ hai, người dân có thể khiếu nại, tố cáo để cơ quan chức năng giải quyết.
Tôi hi vọng các địa phương hết sức chú ý vấn đề này và sự giám sát của nhân dân cũng hết sức quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Luật Thanh tra năm 2010 và vừa rồi có nghị định mới nữa hướng dẫn Luật này đã quy định cụ thể. Vấn đề công khai các kết quả thanh tra này, thẩm quyền như thế nào phải theo quy định của Luật và nghị định mới đây.
Tôi cũng nói rằng, phần công khai kết quả thanh tra 4 lĩnh vực đó, theo quy định, các đoàn thanh tra ví dụ đoàn thanh tra của Bộ tiến hành thanh tra 1 vụ việc nào đó thì sau khi đã thanh tra, sẽ công bố kết quả.
Ngoài ra, những kết luận thanh tra như kết luận thanh tra của chánh thanh tra, bộ, Bộ trưởng, theo quy định, chúng tôi đăng trên báo Tài nguyên và Môi trường. Độc giả quan tâm có thể thông qua báo này để đọc và tìm hiểu. Đối với các tổng cục thì công bố trên website của tổng cục, chúng ta có thể truy cập để tìm hiểu nếu kết luận đó của Tổng cục trưởng.
Độc giả Trần Vĩ Thu (Trần Phú, Nha Trang, Khánh Hòa): Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ đối với việc nhiều khu công nghiệp gây ô nhiễm không khí, đất, nước mà vẫn được hoạt động, trong khi đó Bộ lại chịu trách nhiệm về đánh giá tác động môi trường cho những khu công nghiệp này. Tại sao không có biện pháp nào ngăn chặn, thưa Bộ trưởng. Đã có đoàn thanh tra nào của Bộ đi kiểm tra từng khu công nghiệp, chế xuất chưa? Kết quả có được thông báo công khai minh bạch hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Câu hỏi này tôi xin chuyển cho Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trả lời:
Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến: Tính đến cuối năm 2011, Việt Nam có 283 KCN, trong đó có 180 đã đi vào hoạt động, có 65% có xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, mức độ sử dụng các hệ thống xử lý này là khác nhau. Nên nhân dân quanh các KCN vẫn có than phiền, đặc biệt là việc gây hại hoa màu, ô nghiễm không khí, tiếng ồn...
Vấn đề các KCN gây ô nhiễm môi trường có văn bản pháp luật đầy đủ để xử lý, như Chỉ thị 07 của Thủ tướng về chấn chỉnh các KCN, khu kinh tế, Thông tư 08 năm 2009 về bảo vệ môi trường cho KCN, khu kinh tế, gần đây Bộ ban hành Thông tư 48 sửa đổi bổ sung Thông tư 08, Thông tư số 1 giải quyết việc các KCN chưa có đánh giá tác động môi trường.
Việc thực hiện nghiêm túc sẽ đảm bảo môi trường ở các khu này.
Bộ chỉ thẩm định và phê duyệt các đánh giá tác động môi trường của các KCN rộng hơn 200ha, hoặc có diện tích đất lúa 2 vụ lớn hơn 20ha, hoặc có hệ thống xử lý nước thải lớn hơn 5.000m3/ngày đêm, còn lại do Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, UBND hoặc BQL các KCN cấp tỉnh phê duyệt...
Chuyện thanh tra kiểm tra là thường xuyên, gần đây nhất đã tổ chức thanh tra 46 trong 56 tỉnh có KCN, kết quả thanh tra đã công bố. Nhưng Khoản 4 Điều 48 Nghị định 117 quy định, để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp hoặc KCN, việc vi phạm phải đạt mức nào đó thì chúng tôi mới được công bố ra báo chí, còn lại chỉ thông báo tới UBND địa phương và cơ quan Công an để họ có thể điều tra, phát hiện tiếp các vấn đề...
Bộ cũng rất chú ý đến việc này, đề xuất Chính phủ và Quốc hội trong dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Trước đây, mức xử phạt tiền tối đa là 80 triệu đồng, theo Nghị định 117 lên tới 500 triệu đồng, theo dự thảo Luật Xử phạt vi phạm hành chính sẽ lên tới 2 tỷ đồng.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên dương các địa phương thực hiện theo giải pháp của Bình Dương, thời gian qua họ làm rất tốt việc này, hoạt động các KC N đều bị giám sát bằng camera và truyền số liệu về Tổng cục Môi trường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ ban hành quy định về hệ thống giám sát tự động chất thải.
Tôi hi vọng thời gian tới, khi các quy định đầy đủ hơn, Bộ tích cực phối hợp với địa phương giám sát và xử phạt các KCN vi phạm, việc gây ô nhiễm môi trường sẽ giảm đi.
Khuất Văn Tuấn (Cao Bằng): Thưa Bộ trưởng, tôi là người đã chứng kiến đứa cháu ruột mới 17 tuổi bỏ nhà đi làm phu vàng, 2 năm sau cháu trở về với thân tàn ma dại. Sao mà mọc ra lắm hầm vàng chui thế thưa Bộ trưởng. sao không có cách nào xóa sổ bọn chúng để nhà nước cũng được lợi mà người dân chúng tôi cũng đỡ khổ. Cảm ơn Bộ trưởng đã lắng nghe.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Xin chia sẻ với ông Tuấn về tình hình của cháu ông nói riêng và những người liên quan tới đào đãi vàng nói chung.
Đúng là tình trạng đào đãi vàng như ông Tuấn nêu là thực tế diễn biến trong thời gian qua. Đào đãi vàng cũng liên quan đến công ăn việc làm. Việc này thường ở các tỉnh miền núi, đồng bào nghèo, nếu có người tổ chức hoặc họ tự phát tham gia. Việc đào đãi vàng tự phát liên quan đến rất nhiều vấn đề đặc biệt là môi trường, đất sản xuất, các tiêu cực xã hội như nghiện hút...
Chúng tôi cho rằng, việc này, về phía xã hội chúng ta cần hết sức quan tâm. Ở đây tôi cũng muốn nêu, về phía Chính phủ, trong thời gian qua, theo tham mưu của Bộ TNMT và các bộ, chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ ban hành 1 chỉ thị về quản lý khai thác các tài nguyên khoáng sản. Tất nhiên trước đó đã có Luật năm 2010, cho đến nay đã có các văn bản hướng dẫn Luật này
Với chỉ thị này liên quan tới rất nhiều nội dung, quan điểm của chúng ta là phải làm như thế nào để bảo vệ tài nguyên của đất nước. Chúng ta sử dụng không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ ngày mai. Hiện trong xã hội đang nêu vấn đề chúng ta đang đào bới hết, thì sau này con cháu chúng ta như thế nào ?
Vừa rồi, trong chỉ thị đã nêu khá rõ đối với từng loại khoáng sản thì chủ trương của Chính phủ như thế nào. Quan điểm của chúng tôi là tăng cường hơn nữa công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản.
Vừa rồi chúng ta đã phân cấp cho tỉnh, từ đó tiến hành việc khai thác các khoáng sản có trong đất của các tỉnh. Nhiều đồng chí cũng thống nhất quan điểm với chúng tôi, thời gian vừa qua, chúng ta có cả mặt được và chưa được về khai thác tài nguyên khoáng sản. Cho nên chúng ta phải siết chặt, kiềm chế. Nếu không sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho thế hệ sau.
Riêng đối với vàng sa khoáng, chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra, những dự án vàng thực sự không ảnh hưởng, không tác động về mặt môi trường, xã hội nhiều thì cũng có thể cho tiếp tục nhưng phải kiểm tra chặt chẽ. Xin khẳng định, không cấp mới giấy phép cho dự án về vàng sa khoáng. Đây cũng là một trong những biện pháp liên quan tới câu hỏi của độc giả. Chỉ đạo chung của Chính phủ là như vậy.
Tôi muốn nhấn mạnh về công tác quản lý của địa phương. Về phía gia đình, phải quản lý con em của mình, chúng ta có thể làm nhiều việc khác tốt hơn để mưu sinh. Ở đây cũng có một phần chủ quan về phía gia đình.
Ông Đặng Anh Thao - huyện Đoan Hùng - Tỉnh Phú Thọ: Sự cố rò rỉ hóa chất tại “Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng” vừa qua cho thấy dự án vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Đây là câu hỏi khá thời sự. Việc khai thác bauxite, sản xuất alumina là chủ trương của Đảng, Nhà nước, chúng ta đang tiến hành thí điểm tại 2 điểm ở Lâm Đồng và Đắk Nông.
Sự kiện bạn nêu diễn ra tại Tân Rai, Đắk Nông, do thao tác sai sót của công nhân, làm không cẩn thận để xút rơi ra ngoài hoặc có thể do bao bì còn tồn đọng xút không được xử lý theo đúng quy định…
Việc xử lý nguy cơ hồ bùn đỏ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trong đó có của Tổng cục Môi trường… Chúng ta phải tính tới chuyện an toàn về vấn đề môi trường trong quá trình thực hiện chủ trương này.
Độc giả Nguyễn Thế Cường, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, hỏi: Cử tri và nhân dân cả nước rất lo ngại về tình hình ô nhiễm sông Hồng tại Lào Cai. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng và giải pháp của Bộ trong thời gian tới là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Ô nhiễm dòng sông Hồng được mọi người quan tâm. Nhưng như các bạn biết, sông Hồng đầu nguồn từ nước ngoài vào, nên chịu tác động của 2 vấn đề, 1 là nước từ bên kia sang, thứ 2 là chúng ta.
Hiện, mực nước sông Hồng trong mùa khô rất thấp, nên việc hòa loãng những chất gây ô nhiễm môi trường sẽ càng đặc lên. Đây là thực tế, chúng tôi thấy rằng, để giải quyết, trước hết về phía chúng ta cũng cần có trách nhiệm, như thành phố Lào Cai cũng cần xử lý trước. Rất nhiều họng nước đổ ra sông chưa xử lý. Thêm nữa phải bàn với phía bên kia Trung Quốc, để có phối hợp. Ngoài ra, tổ chức trạm quan trắc, từ đó có số liệu, biện pháp để xử lý.
BTV: Cảm ơn Bộ trưởng, vậy Bộ trưởng nghĩ sao trước thông tin bồi lắng và ô nhiễm môi trường ở hồ Ba Bể?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: Tôi cũng được biết, đây là thông tin từ câu lạc bộ những người yêu hồ Ba Bể. Tất nhiên, những thông tin này chúng ta cũng phải kiểm tra. Sau khi có thông tin này, chúng tôi đã cử đoàn liên ngành có đại diện Tổng cục môi trường, khoáng sản kiểm tra. Người ta cho rằng do khai thác mỏ ở đây. Có 2 mỏ nằm cách vị trí hồ 20km, nhưng nằm ngoài vùng đệm của hồ.
Bồi lắng của hồ có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguồn nước của 3 suối đổ vào đó. Bồi lắng này về mặt tự nhiên thì từ những hoạt động trên lưu vực của dòng suối đó sẽ đưa các chất về đây.
Về tác động do khai thác 2 mỏ này, tôi xin khẳng định, việc này hiện nay chưa diễn ra, nhưng chúng ta cũng cần dè chừng, sau này quá trình tích tụ có thể do chất thải từ khai thác các mỏ này. Chúng ta cần phải tăng cường kiểm tra.
BTV: Thưa Bộ trưởng, do thời gian có hạn, hiện chúng ta đã thực hiện trực tuyến 1h45. Thưa quý vị, với gần 2 tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đã trả lời trực tiếp vào các vấn đề rất nóng, thiết thực và gần gũi với đời sống nhân dân. Đó là các vấn đề nảy sinh trong vấn đề đất đai, khoáng sản, môi trường. Tuy nhiên, với số lượng câu hỏi độc giả gửi đến rất nhiều, chúng tôi sẽ tập hợp lại, gửi đến các đơn vị, cục, vụ chức năng của Bộ để xem xét trả lời đến từng người dân. Những thông tin này cũng sẽ được đăng tải trên Cổng TTĐT Chính phủ. Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.
Theo nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn