Người phát ngôn của Chính phủ, điểm lại các nội dung chính của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2013 diễn ra cùng ngày 26/4. Trong đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ những thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, các định hướng điều hành trong thời gian tới.
Nhìn chung, kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu đã có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Điều này thể hiện rõ ràng nhất đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng không đáng kể (0,02%), cho phép chúng ta có lòng tin hơn vào mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay thấp hơn năm ngoái, khả thi hơn, tuy nhiên, chúng ta còn phải nỗ lực nhiều. Mức tăng CPI tháng 4 là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm qua.
Lãi suất huy động VNĐ ở mức ổn định và có xu hướng giảm. Thị trường ngoại hối và tỉ giá ổn định. Tính chung 4 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39,46 tỉ USD, tăng 16,9% so với cùng kì năm trước. Riêng về lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh và thị trường…
An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được các cấp các ngành triển khai tích cực, đặc biệt là công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia nhân dân, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm chỉ đạo sát sao. Từ đầu năm đến nay, có 23,8 nghìn doanh nghiệp đăng kí thành lập; 8,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời giam tạm đóng cửa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp báo
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, bên cạnh những kết quả nổi bật kể trên, công tác triển khai còn chậm, kết quả chưa vững chắc, nhiều khó khăn vướng mắc nảy sinh. Kinh tế vĩ mô tuy có bước chuyển biến tích cực nhưng không được chủ quan mà phải tăng cường hơn nữa. Việc đầu tiên cần phải làm đó là kiềm chế lạm phát, kiểm soát cung tiền, đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của tín dụng. Điều hành lãi suất mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Nếu cần thiết thì xem xét quy định trần lãi suất cho vay có mực chênh lệch hợp lí sơ với lãi suất huy động.
Theo Bộ trưởng, việc cần làm tiếp theo đó là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhất là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Một nhiệm vụ quan trọng không kém là quan tâm hơn nữa việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đặc biệt với những đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai…Đẩy mạnh thực hiện xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng NTM. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh; kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả việc nhập gia cầm, thực phẩm không rõ nguồn gốc vào nước ta.
Có mặt tại cuộc họp báo, đại diện cho NHNN, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến giá vàng trong nước thời gian qua.
PV Thanh Thủy, Báo điện tử VnExpress hỏi: Câu chuyện chênh lệch giá vàng được nhiều người quan tâm, NHNN khi bắt đầu đấu thầu cũng đặt mục tiêu kéo sát giá vàng trong nước và thế giới theo yêu cầu của Quốc hội, nhưng chưa thực hiện được. Xin giải thích vì sao? Mục tiêu các phiên đấu thầu vàng vừa qua có đạt được? Mọi người cũng đặt dấu hỏi liên quan đến việc NHNN tăng cung vàng miếng phải chăng chỉ để các ngân hàng tất toán?
Ông Lê Minh Hưng cho rằng, về chênh lệch giá vàng, chúng ta phải khẳng định Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng, nhu cầu vàng miếng được thực hiện qua dùng ngoại tệ nhập khẩu. Thời gian qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ. Trong 2 năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng miếng để góp phần ổn định vĩ mô, trong khi nhu cầu vàng miếng là có thực, trong đó có một phần từ các ngân hàng tất toán trạng thái. Mặt khác, gần đây giá vàng quốc tế có sự sụt giảm rất mạnh, giảm mạnh nhất trong 30 năm qua. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch.
Nhưng nhìn lại, từ khi triển khai Nghị định 24 của Chính phủ, tuy có chênh lệch giá nhưng cơn sốt vàng, diễn biến tỉ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định, đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô.
Thứ hai, NHNN thực hiện đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các quy định về quản lý dự trữ ngoại hối. NHNN đấu thầu góp phần tăng cung, giảm áp lực cầu, nếu NHNN không tham gia bình ổn, trong bối cảnh không cho phép nhập khẩu, thì thị trường sẽ biến động rất mạnh, đặc biệt là về giá. Chúng tôi đánh giá việc NHNN đấu thầu 12 tấn vàng đã tăng cung, giảm áp lực cầu vàng. Thông qua hoạt động bình ổn giá tránh tình trạng bất ổn, sốt vàng, góp phần ổn định tỷ giá và hoạt động của thị trường ngoại tệ.
Một tín hiệu tích cực là sau khi triển khai Nghị định 24 và NHNN triển khai bình ổn thị trường vàng, là nhu cầu nắm giữ vàng đã giảm rất mạnh, tất nhiên còn có nhu cầu khác đến từ các tổ chức tín dụng. NHNN có thể bán trực tiếp vàng cho các tổ chức này, nhưng để minh bạch, công khai, NHNN đã tổ chức đấu thầu và chúng tôi cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Lượng vàng miếng mà các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng này trúng thầu một phần dùng để tất toán trạng thái, một phần để cung ra thị trường.
TheoNNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn