Bài 1: Lao đao vì lỗ Với mỗi tạ gà thịt, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ từ 3-4 triệu đồng. Tình trạng này càng trở nên khó khăn hơn khi tại nhiều trang trại, gà đã đến ngày xuất chuồng nhưng vẫn không bán được vì tư thương ép giá. Mua đắt, bán rẻ Theo một số chủ trang trại nuôi gà, trước đây giá gà cũng lên xuống nhiều, nhưng chỉ dao động trong một thời gian ngắn, do đó, nếu bị lỗ đợt này thì họ có thể gỡ lại ở đợt nuôi sau. Thế nhưng, từ cuối năm 2011 đến nay, giá gà liên tục giảm xuống dưới giá thành khiến mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh của bà con bị đổ bể. Ông Đào Văn Bằng, chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã Kim Long (Tam Dương - Vĩnh Phúc) cho biết: Nhiều tháng qua, giá gà trong nước liên tục giảm, có những lúc chỉ còn 20.000-21.000 đồng/kg khiến không ít người nuôi rơi vào cảnh thua lỗ, mất sạch vốn. Hiện, giá gà lông trắng xuất chuồng trọng lượng 3,4kg ở mức 26.000 đồng/kg, gà trọng lượng càng bé giá càng thấp; cụ thể, nếu đạt 2,8-3,2 kg/con thì mức giá thu mua chỉ còn 24.000 đồng/kg, giảm 5.000-6.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng và mất hơn chục giá so với cách đây 3-4 tháng. Tính ra, mỗi tấn gà bán người chăn nuôi lỗ khoảng 40-50 triệu đồng. "Thời điểm này, bán được với giá 30.000 đồng/kg thì coi như hòa, hiện gia đình tôi còn khoảng 5.000 con gà đã 49 ngày tuổi nhưng chưa biết xử lý cách nào, có lẽ đành găm hàng chờ giá lên", ông Bằng nói. Một trong những người "không gặp thời" giống ông Bằng là ông Bùi Khắc Nhượng, cũng ở xã Kim Long. Do bán 3 lứa gà đúng vào thời điểm giá thấp, chỉ 18.000-25.000 đồng/kg nên ông Nhượng mất hơn 300 triệu đồng. Hiện, chuồng nhà ông còn gần 4.000 con gà đang đến ngày xuất chuồng nhưng ông chưa dám gọi thương lái đến bắt vì sợ lỗ nặng hơn. Ông Nhượng cho biết, từ đầu năm đến giờ, ông đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 300 triệu đồng để đầu tư nuôi gà, nhưng với đà này, nhất là khi giá thức ăn chăn nuôi và thuốc thú ý tăng vùn vụt thì nguy cơ phải bỏ chuồng không còn xa. Không chỉ nuôi gà thịt bị lỗ mà cả những hộ nuôi gà đẻ cũng đang "sống dở chết dở" vì không bán được trứng. Anh Nguyễn Văn Trịnh ở thôn Lâm Xuyên, một trong số ít người nuôi gà còn sót lại ở xã Phú Điền (Nam Sách - Hải Dương) cho biết: "Gia đình tôi nuôi gà đẻ mỗi tháng thu hơn 337 triệu đồng, nhưng tính ra vẫn lỗ". Theo anh Trịnh, mỗi ngày gia đình thu bình quân 7.500 quả trứng, bán với giá 1.500 đồng/quả, thu nhập khoảng 11,25 triệu đồng, tương đương 337,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do giá trứng quá thấp, cộng thêm chi phí đầu vào tăng (tiền lương công nhân, tiền điện khoảng 50 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền xăng chạy máy nổ khi mất điện, tiền thức ăn, thuốc thú y…) nên gia đình phải chấp nhận cảnh lỗ. Đó là chưa kể chi phí đầu tư cho chuồng trại đã lên đến 2 tỷ đồng, trong khi lãi vay ngân hàng thực tế là 18,5%/tháng. "Giá trứng gà phải giữ ở mức 1.800-2.000 đồng/quả thì người chăn nuôi mới mong có lãi", anh Trịnh cho biết. Anh Hoàng Văn Giáp, chủ một trang trại gà ở huyện Ba Vì (Hà Nội) phân tích: Hiện, giá cám ở mức 12.000 đồng/kg, trong khi mỗi con gà nuôi tới lúc xuất chuồng cần tới 2-2,2kg cám, giá gà giống cách đây 3 tháng là 15.000 đồng/con, như vậy riêng tiền cám và con giống đã xấp xỉ 40.000 đồng/con. Đó là chưa kể tiền điện, nước, vắc-xin, thuốc thú y, tiền nhân công, tiền bù cho những con giống bị chết…, tổng chi phí để có được 1kg gà xuất chuồng phải lên tới 31.000-32.000 đồng. Do vậy, với mức giá gà thương phẩm 24.000- 25.000 đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi lỗ nặng. Không riêng gì miền Bắc, người chăn nuôi ở khu vực phía Nam cũng không tránh được tình trạng thua lỗ triền miên. Theo nhiều chủ trang trại tại các xã Gia Tân, Gia Kiệm… (Thống Nhất - Đồng Nai), mấy tháng qua, giá gà liên tục sụt giảm, hiện chỉ còn 25.000-27.000 đồng/kg, giảm khoảng 10.000 đồng/kg so với cách đây hơn 1 tháng. Mỗi con gà từ khi nuôi đến khi xuất bán đạt trọng lượng 1,5kg, với giá như hiện nay thì người nuôi chỉ thu về gần 40.000 đồng/con, trong khi chi phí thức ăn, tiền giống và vắc-xin đã hơn 53.000 đồng/con. Như vậy, nếu nuôi đàn gà 10.000 con thì chủ trang trại lỗ tới 130-170 triệu đồng.
"Đâm lao phải theo lao" Mặc dù thua lỗ nặng, thậm chí phải cầm cố sổ đỏ vay mượn ngân hàng, nhưng hiện nay nhiều người chăn nuôi vẫn phải "theo lao". Bởi theo họ, đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín có quy mô vài nghìn con với quạt thông hơi, máy làm mát… chi phí lên tới 300-400 triệu đồng, nếu không nuôi gà nữa thì biết làm gì để thu hồi vốn? Với quy mô nuôi dao động khoảng 10.000 con gà trắng, gia đình anh Bằng đầu tư hơn 2 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống chuồng trại, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi. Tuy không phải vay ngân hàng nhưng đó cũng là cả gia sản mà vợ chồng anh tích góp, vay mượn của anh em họ hàng. Dù "cơn bão rớt giá" diễn ra liên tục từ cuối năm 2011 đến nay nhưng theo anh Bằng, "chúng tôi vẫn không thể bỏ trống chuồng, vì nếu bỏ thì đồng nghĩa với việc phá sản. Cách duy nhất là nuôi cầm chừng, chấp nhận lỗ chờ thời điểm thuận lợi". Lứa gà trước, gia đình chị Nguyễn Thị Liên ở Lục Nam (Bắc Giang) thả nuôi hơn 10.000 con gà. Thời điểm đó, giá gà đạt mức 35.000 - 38.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình chị cũng có đôi chút lời lãi và dư vốn để tiếp tục nhập về nuôi gần 20.000 con gà giống, với hy vọng giá gà tiếp tục ổn định. Thế nhưng cả tháng nay, chị Liên như ngồi trên đống lửa vì giá gà giảm liên tục. Tuy nhiên, sau khi đã bỏ cả đống tiền vào xây dựng chuồng trại, gia đình chị không thể bán tống bán tháo hoặc bỏ chuồng, đành vay mượn để đầu tư tiếp, may ra tới cuối năm giá sẽ phục hồi. Giới chăn nuôi cho biết, dù nguồn cung ra thị trường không tăng, thậm chí có những thời điểm giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá gà vẫn liên tục giảm khiến họ không khỏi bất ngờ. "Tôi nghĩ sức tiêu thụ thịt gà của người dân đã giảm mạnh trong thời gian qua", giám đốc kinh doanh một công ty chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam cho biết. Nhưng cũng không loại trừ khả năng gà trong nước đã không thể đánh bại nguồn gà thải loại tương đối lớn đang ùn ùn vào nước ta dù chất lượng thì không ai có thể kiểm định.
Theo kinhtenongthon.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn