Hội thảo "Nông nghiệp thông minh - Cơ hội và thách thức trong chuyển giao công nghệ", chiều 25-11.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2013-2018, nông nghiệp Việt Nam đạt tăng trưởng 2,55%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 157 tỷ USD, bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân 5 năm trước. Năng suất lao động đạt 35,5 triệu đồng/người, tăng gần 10 triệu đồng/người so với năm 2012. Các kết quả đạt được nhờ sự đóng góp rất lớn của sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhất là trong sản xuất rau hoa quả từ khâu sản xuất cho đến quản lý chuỗi sản phẩm và thương mại hóa.
Tại Hội thảo, GS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội Sinh lý thực vật Việt Nam, cho rằng, những khó khăn của Việt Nam khi bước vào nền nông nghiệp thông minh là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập; thiếu nền tảng cơ sở hạ tầng tối thiểu để thiết lập hệ thống tự động hóa kết nối với internet; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin; nhiều dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 được Chính phủ tạo điều kiện ưu đãi đặc biệt cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhằm thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao bao gồm cả đào tạo nhân lực và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nhưng tỷ lệ thành công còn thấp; đất canh tác ở các vùng nông thôn Việt Nam ngày càng bị thu hẹp... Phát triển trồng trọt ứng dụng công nghệ cao kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của thế giới, trong đó có nông nghiệp Việt Nam. Để phát triển nông nghiệp thông minh, trước mắt cần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thể ứng dụng kịp thời có chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến của cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, cần chọn lọc các công nghệ thiết thực và hiệu quả.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa để khuyến khích các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân tham gia ứng dụng công nghệ 4.0; tăng cường phối hợp giữa các chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin và nông nghiệp để ngày càng hoàn thiện chương trình phần mềm ứng dụng 4.0 vào đối tượng rau, hoa, quả nói riêng và nông nghiệp nói chung; tăng cường thông tin phổ biến tác dụng của ứng dụng 4.0 trong nông nghiệp để mọi người hiểu được đúng vai trò, ý nghĩa của chương trình này, từ đó lên kế hoạch ứng dụng cho mình.
Đồng quan điểm này, TS Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho rằng, Chính phủ cần có chính sách để phát triển nông nghiệp thông minh đến năm 2020, định hướng đến 2025 theo hướng đầu tư nguồn lực vào phát triển cơ sở hạ tầng thông minh đồng bộ để đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận các công nghệ mới theo xu hướng thời đại, phục vụ nông nghiệp thông minh. Phát triển nông nghiệp thông minh là quá trình liên tục, lâu dài phải có lộ trình thích hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương, hợp tác xã, phải lựa chọn công nghệ áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Minh Phương/nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn