Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng: Mong UBMTTQ Việt Nam tiếp tục tham mưu đề xuất với Trung ương về các chính sách nhất quán, tập trung hơn cho người nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa
Hà Tĩnh có hơn 1 ngàn người thuộc các dân tộc thiểu số như: Chứt, Lào, Mán..., sống chủ yếu tại các huyện: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của tỉnh với các chính sách, đề án, công tác tuyên truyền vận động của mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, đời sống của đồng bào dân tộc ngày càng khởi sắc.
Đại tá Hà Học Chiến - Phó chính uỷ Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh: Đặc thù của người dân tộc là sống co cụm, tập tục lạc hậu, chậm tiếp thu cái mới, tình trạng dân trí thấp... nên rất khó khăn trong việc chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết.
Với nỗ lực của ngành giáo dục và bộ đội biên phòng, tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non ở vùng dân tộc thiểu số đạt 100%; 89,1% hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học; 98,5% học sinh được cấp bằng THCS; một số em được đi học đại học, cao đẳng hệ tuyển cử...
Đối với vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dù được tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức và sự can thiệp của các cấp, ngành, nhưng do phong tục tập quán và nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên tình trạng này vẫn xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh): Để chấm dứt tình trạng bỏ học giữa chừng đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù đối với trẻ em dân tộc, vùng thiên tai. Cần có tỷ lệ cử tuyển cao đối với vùng dân tộc ít người.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế, khó khăn trong việc phổ cập giáo dục, giảm thiểu tình trạng hôn nhân cận huyết, đồng thời kiến nghị với đoàn công tác về một số chính sách ưu tiên như: cử tuyển, tuyển dụng biên chế đối với giáo viên; có chế độ phụ cấp đối với cán bộ chuyên trách làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, nhà văn hoá…
Ông Nguyễn Mạnh Quang - Phó ban Dân tộc UBMTTQ Việt Nam: Cần có giải pháp để nâng cao nhận thức của bà con, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại dẫn đến tình trạng thiếu bền vững trong việc phát triển đồng bào dân tộc
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Trần Nam Hồng đánh giá cao những đóng góp của MTTQ các cấp, ngành chức năng, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của UBMTTQ Việt Nam trong việc thực hiện phổ cập xoá mù chữ và thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cũng mong UBMTTQ Việt Nam tiếp tục tham mưu đề xuất với Trung ương về các chính sách nhất quán, tập trung hơn cho người nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; cần có chính sách riêng cho các xóm, xã biên giới, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Thay mặt đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các đại biểu nhằm tổng hợp báo cáo với trung ương xem xét, giải quyết.
Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Hà Tĩnh trong công tác phổ cập xoá mù chữ và triển khai thực hiện các mô hình tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết. Mong muốn, thời gian tới, MTTQ tỉnh tiếp tục phát huy vai trò tập hợp, vận động các tổ chức thành viên thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo Thúy Ngọc/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn