07:37 EDT Thứ tư, 26/06/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Cánh đồng mẫu lớn ở miền Bắc: Cán bộ nói có, dân nói chưa

Thứ tư - 19/06/2013 03:58
-Hầu hết cán bộ địa phương cho rằng mô hình này có hiệu quả, trong khi đó người dân lại cho rằng chỉ là lấy công làm lãi…


Việc xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn không chỉ là chuyện quy hoạch lại đồng ruộng, đưa nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất tập trung, sản phẩm làm ra đồng loạt, mà đích đến cuối cùng là tăng thu nhập cho người trồng lúa. Song, với tình trạng “cắm biển, ghi tên” và mối liên kết chệch choạc 4 nhà, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang triển khai tại hai tỉnh Thái Bình, Nam Định liệu có mang lại kết quả như mong muốn?

Hiệu quả “vượt trội” 10-20 kg/sào?

Khi được hỏi về hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn, hầu hết cán bộ những địa phương mà chúng tôi tiếp xúc đều trả lời là có. Nhưng sự dè dặt vẫn luôn ẩn chứa đâu đó khi phải nhắc đến những con số chứng minh cụ thể. Với 125 mô hình, diện tích gần 6.000 ha, Nam Định được coi là địa phương có tốc độ phát triển nhanh mô hình cánh đồng mẫu lớn. 
 

So với cánh đồng thường nông dân thu được khoảng 250kg thóc một sào thì tại cánh đồng mẫu, năng suất đạt từ 260 đến 270 kg (Ảnh: Danviet)

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép các chương trình và thực hiện từng bước đảm bảo mô hình có hiệu quả. Tuy nhiên, thay vì đề cập trực tiếp đến mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân trên một đơn vị diện tích, ông Nguyễn Viết Hưng lại phân tích mục tiêu chương trình và “khoe” số lượng mô hình cánh đồng mẫu lớn của địa phương mình: “Kết quả bước đầu, trước mắt quy mô diện tích tại tỉnh Nam Định đã có hơn 100 mô hình cánh đồng mẫu lớn. Mục tiêu cuối cùng là người nông dân phải nâng cao được hiệu quả giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích và để nâng cao được thì năng suất lúa, chất lượng và giá thành bán được sản phẩm đó. Như vậy phải bắt đầu ngay từ khâu giống như thế nào, kỹ thuật thâm canh ra sao. Từ các mô hình điểm sẽ rút kinh nghiệm, xác định những mô hình có hiệu quả nhất để triển khai thực tế”.

Để chứng minh cho sự “vượt trội” của cánh đồng mẫu lớn, ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Thái Bình lại đưa ra dẫn chứng: So với cánh đồng thường nông dân thu được khoảng 250kg thóc một sào thì tại cánh đồng mẫu, năng suất đạt từ 260 đến 270 kg (tức vượt khoảng 10-20 kg/sào): “Bà con nông dân cũng nhận thấy hiệu quả của cánh đồng mẫu khi mà có sự chỉ đạo một cách đồng bộ và ruộng đồng cũng được thiết kế bài bản thuận tiện hơn cho cách tổ chức sản xuất. Đặc biệt, cũng manh nha xuất hiện những phương thức tổ chức sản xuất mới hợp tác một cách tự nguyện giữa những nhóm người lao động với nhau thì chi phí giảm đi”.

Lấy công làm lãi

Qua tìm hiểu của phóng viên VOV, nông dân không phải ai cũng đồng tình với cách đánh giá này. Từ thực tế 3 sào ruộng tham gia cánh đồng mẫu lớn, ông Hoàng Hữu Quý, nông dân xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình cho biết, so với cánh đồng thường, lợi nhuận trên một đơn vị diện tích tại mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ tăng thêm từ 7-10%; sản lượng thu hoạch được cũng chỉ đủ để dùng.

Trong khi đó, mục tiêu của mô hình cánh đồng mẫu thì nông dân phải tăng lợi nhuận ít nhất là 30% so với cánh đồng thường và sản phẩm mà họ tạo ra phải là sản phẩm hàng hóa. Như tính toán của ông Quý, số phần trăm tăng thêm này chủ yếu là nhờ tiết kiệm tiền công máy cày, máy gặt đồng bộ, không phải tốn kém nhiều do thuê đơn lẻ như trước. Đó thực sự chỉ là việc “lấy công làm lãi”.

Vì vậy, ông Hoàng Hữu Quý cho rằng, hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn chưa đáng bao nhiêu: “Ngày trước làm đơn lẻ thì vất vả hơn, giờ việc cày cấy, rồi gặt cũng thuận lợi nhờ máy móc làm hết. Đúng là dân nhàn hơn thật, nhưng nhàn quá cũng chẳng làm gì. Chứ nói về năng suất, thu nhập thì cũng chưa thay đổi nhiều. Nói để mà thay đổi khá giả nhờ làm cánh đồng mẫu thì chắc không có.

Còn ông Trần Văn Trà, nông dân xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định thì cho rằng, lúc đầu người dân cũng rất kỳ vọng, nhưng qua một vụ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn nay nhiều người đã bắt đầu hoài nghi. Không hoài nghi sao được, khi liên tục nhiều vụ lúa gần đây, giá thóc gạo chỉ nhích lên đôi chút, có lúc giảm giá; còn tất tần tật các loại vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, chi phí công cày bừa, gặt đập ngày một tăng, nên nông dân chẳng có lời lãi gì.

Ông Trà phân tích: “Lúc đầu, người dân cũng hào hứng, nghe nói được hứa hẹn thế này thế kia, nhưng đến giờ hình như họ thấy cũng bình thường. Người ta cho rằng gò bó về thời gian, năng suất cũng chẳng hơn gì. Trước mắt, nó chỉ cho đẹp, cho oai. Trước đây, đành rằng bờ, mương bé hơn nhưng xe đẩy, xe lôi ra được hết. Bây giờ đắp đáp, nhưng mình chi phí cũng rất nhiều tiền…”.

Hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn: Cán bộ nói có, người dân nói chưa. Có lẽ cái “được” dễ thấy nhất trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở Thái Bình và Nam Định là lợi nhuận của các doanh nghiệp cung ứng vật tư nhờ buôn bán gần như độc quyền với nông dân. Dù dè dặt, nhưng hầu hết những cán bộ mà chúng tôi tiếp xúc đều thừa nhận điều này. Hỗ trợ chỉ là “chiêu” mà doanh nghiệp đặt ra để “buộc” nông dân sử dụng sản phẩm của họ mà thôi.

Đơn cử như Công ty phân bón Bình Điền, thông qua đối tác là Công ty Thái Sơn tham gia 15 mô hình cánh đồng mẫu lớn, tổng diện tích 500 ha tại Nam Định, vụ đông xuân vừa rồi đã bán trên 200 tấn phân bón, trị giá khoảng 32 tỷ đồng. Chắc chắn lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ những hợp đồng này là không hề nhỏ.

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là chủ trương đúng đắn, nhằm thay đổi phương thức canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại thu nhập cao cho người trồng lúa. Việc thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn là cần thiết, để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà. Tuy nhiên, làm cánh đồng mẫu lớn theo kiểu “trăm hoa đua nở” như ở Thái Bình và Nam Định chưa thấy hiệu quả mà chỉ thấy hoài nghi trong nông dân về một chủ trương lớn nhằm từng bước hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà. 

Từ thực tiễn này cho thấy, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở miền Bắc đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải tính toán kỹ cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Người nông dân đã từng thất vọng về những dự án, đề án không hiệu quả, làm ồ ạt theo phong trào, gây thiệt hại cho nông dân, nông thôn. Còn với mô hình cánh đồng mẫu lớn hiện nay, không thể cứ khoác cái tên mới lên những cánh đồng cũ là có ngay những “Cánh đồng mẫu lớn” mà không đầu tư xứng đáng, bài bản cho công tác quy hoạch, thay đổi phương thức canh tác, quy trình sản xuất lúa gạo và các cơ chế chính sách đi kèm… Lại càng không thể làm “Cánh đồng mẫu lớn” theo kiểu “cắm biển, ghi tên”./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 216


Hôm nayHôm nay : 50102

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1668210

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 63750432