Bác sỹ Nguyễn Quốc Trị - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Kỳ Anh cho biết: “Sau bão, môi trường rất phức tạp. Trong đó, thôn Long Thành (Kỳ Long) thuộc khu vực di dời nên lâu nay bà con không còn chăm lo sửa sang nhà cửa, vườn tược, cộng với ảnh hưởng của bão nên rất bẩn. Nhiều tấm tôn bị gãy ứ đọng nước, nhiều cây cối đổ gãy trong vườn chưa được thu dọn… Trong tổ dân phố có một công ty chứa đến hơn 600 lốp ô tô cũ. Đây là môi trường rất thuận lợi cho muỗi trú ngụ, sinh sản…
Cán bộ YTDP thị xã Kỳ Anh phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch SXH ở khối phố Long Thanh (phường Kỳ Long)
Sau khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế thị xã đã hướng dẫn địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Các tổ chức từ phường đến tổ dân phố đã ra quân làm chiến dịch môi trường, vận động người dân bán các phế liệu sau bão, thực hiện ký cam kết với chủ cơ sở lốp ô tô cũ vận chuyển lốp ra khỏi địa bàn. Được biết, 100% xã, phường trên toàn thị xã đã ra quân triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường.
Trạm Trưởng Trạm Y tế phường Kỳ Long - Nguyễn Văn Hoành trao đổi: “Hiện các xe thu mua phế liệu đã thu gom ở các hộ gia đình. Chủ lốp ô tô cũ cũng đã bán số lốp dự trữ và sẽ vận chuyển trong thời gian sớm. Tuy nhiên, lo lắng nhất là ngày nào cũng có mưa, nắng thất thường, thuận lợi cho muỗi và loăng quăng phát triển. Y tế phường đang tăng cường giám sát các ca bệnh và tập trung tuyên truyền người dân thực hiện vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng, chống SXH. Sáng 1/10, xuất hiện một bệnh nhân mới có biểu hiện đau mỏi xương khớp, đang được theo dõi và giám sát tại trạm”.
Hàng trăm chiếc lốp ô tô cũ của một doanh nghiệp trên địa bàn phường Kỳ Long (TX Kỳ Anh) trở thành nơi lý tưởng cho muỗi sinh sản, phát triển và gây bệnh. Ảnh: Thu Hòa
Tại xã Thạch Long (Thạch Hà), chính quyền địa phường và Trạm Y tế cũng đang tập trung triển khai các biện pháp bao vây và khống chế dịch. Trạm trưởng Trạm Y tế xã - Nguyễn Văn Hồng cho hay: “Từ ngày 25-30/9 có 12 ca mắc SXH, trong đó có 3 ca dương tính với vi rút dengue. Hiện, trạm đã tổ chức phun hóa chất diệt muỗi ở thôn Đông Hà 2 và thôn Đông Hà 1. Chính quyền địa phương đã vào cuộc rất mạnh mẽ trong công tác VSMT. Đến nay, tỷ lệ bọ gậy đã hạ xuống ngưỡng dưới 20% nhưng vẫn còn thuộc nhóm nguy cơ cao”.
Lãnh đạo ngành y tế kiểm tra diễn biến SXH tại thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long
Như vậy, tính đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã có 4 ổ dịch SXH tại 4 huyện, thị xã. Ông Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: “Công tác phòng, chống dịch luôn được chủ động từ trước tới nay với tinh thần phát hiện sớm ca bệnh, bao vây, khống chế và dập tắt. Các ổ dịch đều có nguyên nhân nguồn lây từ các ca bệnh vãng lai. Mặc dù Trung tâm YTDP tỉnh thường xuyên chỉ đạo hệ thống YTDP cơ sở giám sát chặt chẽ các ca bệnh vãng lai, tuy nhiên khó tránh khỏi sự lây lan”.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sau bão, nhất là SXH, Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên tổ chức phun hóa chất tại các điểm "nóng" VSMT sau bão số 10
Ngành y tế khuyến cáo, từ tháng 9-11 là thời điểm rất thuận lợi cho SXH phát triển, nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH rất cao. Vì vậy, các địa phương cần thường xuyên triển khai chiến dịch VSMT, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Về phía người dân, cần tuân thủ các khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, thường xuyên thực hiện các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy, phòng chống muỗi đốt, phối hợp tích cực với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn