Bà Nguyễn Thị Châm, Chủ tịch UBND xã cho biết: “ Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, chúng tôi đã triển khai các chương trình, chính sách an sinh xã hội, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà ở, vật tư phục vụ sản xuất, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật… Nhờ vậy đã tạo thêm động lực giúp người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo”.
Từ năm 2011 đến nay, riêng chương trình tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện giúp các hộ nghèo vay trên 4,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở và chăm lo việc học tập cho con em. Không chỉ được vay vốn, gần 1.000 lượt người nghèo đã được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc lúa, càphê, chăn nuôi bò vỗ béo, heo, gà thả vườn. Ngoài ra, những hộ nghèo trên địa bàn còn được quan tâm tạo điều kiện học nghề, hỗ trợ về y tế, cứu đói giáp hạt, cấp đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… Đặc biệt, cuối năm 2012, tỉnh đã hỗ trợ 100 con bò cho 100 hộ nghèo trên địa bàn với tổng nguồn vốn 1 tỷ đồng. Cùng với đó, Chương trình 135 cũng hỗ trợ 300 triệu đồng mua 30 con bò cho các hộ nghèo của xã phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, địa phương còn quan tâm đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tính đến thời điểm đầu năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ea Yiêng giảm xuống còn 73%, đời sống của người dân ổn định hơn trước.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đinh Thị Tâm ở buôn Kon Wang cho biết, trước đây, cuộc sống của gia đình chỉ trông vào 3 sào (1 sào Tây Nguyên = 1.000m2) đất trồng sắn, điều nhưng do không có vốn đầu tư nên năng suất thấp. Năm 2010, chị được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. “Số tiền này nếu đem đầu tư hết vào trồng trọt sẽ lâu thu hồi vốn mà có khi còn bị mất trắng. Nghĩ vậy, vợ chồng tôi đào giếng và làm chuồng chăn nuôi heo, mỗi năm xuất bán 2 lứa cũng đủ trang trải phần nào chi phí sinh hoạt”, chị Tâm chia sẻ. Không chỉ được vay vốn phát triển sản xuất, tháng 12/2012, gia đình chị còn được cấp 1 con bò từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh. Đến thời điểm này, gia đình đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá trong buôn.
“Để Ea Yiêng xóa nghèo nhanh và bền vững, thời gian tới, các ngành hữu quan cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhằm tăng diện tích canh tác lúa 2 vụ/năm; cải tạo, nâng cấp công trình cấp nước tập trung; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; nâng mức cho vay phát triển sản xuất và nhất là có chính sách tạo việc làm cho con em người dân tộc thiểu số”, bà Châm kiến nghị.
Hy vọng trong tương lai không xa, Ea Yiêng sẽ sớm thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Gia Ly
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn