Có hộ dân Tây Nguyên trồng cây mắc ca đã thu hoạch mấy năm nay khẳng định đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế gấp 5 lần trồng cà phê. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, cần tiếp tục trồng thử nghiệm, chưa nên trồng ồ ạt, bởi đây không phải loại cây “dễ xơi”.
HIỆU QUẢ GẤP 5 LẦN CÀ PHÊ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Cúc, ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc (Krông Năng, Đắk Lắk). Ông Cúc là một trong những hộ đầu tiên ở Tây Nguyên trồng mắc ca, đến nay mỗi năm ông thu trên 4 tấn quả.
Câu chuyện ông Cúc trồng mắc ca đã diễn ra cách đây gần 9 năm, thời điểm đó, ông có một người bạn làm về nông nghiệp “bắt mối” với Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng (Viện Khoa học Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên) đem trồng thử nghiệm tại vườn ông.
Với thỏa thuận, ông Cúc bỏ đất, còn kỹ thuật trồng, chăm sóc đều do cán bộ trung tâm làm. Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng đã tiến hành trồng thử nghiệm 170 cây với nhiều loại giống khác nhau xen với diện tích 1 ha cà phê (cứ hai hàng cà phê phá bỏ một hàng trồng mắc ca). Tiếp đến năm 2006, trồng thêm 100 cây.
Mắc ca trồng ở vườn ông Cúc cho quả rất cao
Sau 3 năm trồng, mắc ca cho quả bói, sang năm thứ 4 gia đình ông Cúc thu được 1 tấn quả. Và các năm tiếp theo sản lượng tăng lên, đến năm thứ 8, với hơn 270 cây mắc ca gia đình Cúc thu được hơn 4 tấn quả. Khi nghe tin như vậy nhiều công ty đã tìm đến gia đình ông để kí hợp đồng thu mua với giá 120.000 đồng/kg, tuy nhiên ông không bán mà dùng số quả này để nhân giống theo đơn đặt hàng của Trung tâm Nghiên cứu Giống cây rừng, còn lại mới bán ra thị trường.
Biết được hiệu quả kinh tế đem lại rất lớn, ông Cúc tiếp tục chuyển đổi dần 4 ha cà phê già cỗi sang trồng mắc ca, nâng tổng số diện tích lên 5 ha. Cây mắc ca ông trồng rất “mát tay”, cứ đến năm thứ 3 bắt đầu cho ra quả bói, các năm tiếp theo năng suất tăng dần.
Dẫn tôi tham quan vườn mắc ca xanh ngắt, quả trĩu cành, ông Cúc cho hay: “Mặc dù trồng xen với cà phê già cỗi (trên 20 năm) ấy thế mà năng suất cà phê không giảm. Tôi vừa thu được mắc ca, vừa thu được cà phê, nâng cao kinh tế trên cùng một diện tích”.
Nói về mắc ca, ông Cúc so sánh, 1 ha cà phê có khoảng 1.100 cây, tính trung bình mỗi năm thu được 3,8 tấn, hiện tại bán giá 41.000 đồng/kg thu 155 triệu đồng. Trong khi trồng 1 ha mắc ca khoảng 300 cây, đến thời điểm 9 năm tuổi thu 4,5 tấn bán với giá 120.000 đồng/kg được 540 triệu đồng. Về chi phí, mỗi năm 1 cây mắc ca chỉ tốn hết 3kg phân, hết 9 tạ/ha, trong khi đó trồng cà phê cũng bón 3kg/cây mất 3,3 tấn/ha. Như vậy, trồng mắc ca thu được tiền nhiều, trong khi chi ít phân bón so với cây cà phê. Ngoài ra trồng mắc ca chịu hạn, công chăm sóc ít, còn trồng cà phê ngốn hết cả đống tiền chi phí cho xăng, dầu, điện tưới nước, công chăm sóc…
“Từ kết quả trên, tính ra mỗi ha mắc ca hiệu quả kinh tế gấp 5 lần so với cà phê. Tuy nhiên điều tôi đáng lo ngại là chưa biết trong tương lai đầu ra của sản phẩm như thế nào. Hiện tại ở Krông Năng người dân chưa mặn mà với loại cây này, họ đang còn chần chừ, vẫn bám vào cà phê, tiêu. Có một số diện tích cà phê già cỗi người ta vẫn chăm sóc tiếp, có hộ chuyển qua trồng tiêu, chứ họ không trồng mắc ca”, ông Cúc chia sẻ.
Nói về kinh nghiệm, ông Cúc cho rằng, mắc ca quan trọng là nguồn giống, đây là yếu tố quyết định đến năng suất. Tại vườn nhà ông cũng có trồng một số loại giống Thái Lan, Trung Quốc, cho năng suất rất kém. Ngoài ra người trồng nên chú ý đến cây ghép và cây thực sinh, bởi hai loại cho năng suất khác hẳn, mắc ca ghép chất lượng tốt hơn.
Khác hẳn với ông Cúc, chị Nguyễn Thị Sâm, ở thôn Đức Hoài, xã Đức Minh (Đắk Mil, Đắk Nông) trồng mắc ca nhưng năng suất không cao. Năm 2006, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành trồng thử nghiệm hơn 1 ha mắc ca (360 cây) xen cây cà phê tại vườn chị Sâm, giống Thái Lan và Trung Quốc. Năm vừa rồi chị Sâm thu hoạch hơn 300kg quả, giá bán 200.000 đồng/kg, thu 60 triệu đồng.
Mắc ca trồng tại vườn chị Sâm, cây sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên có hơn 50% số cây ra hoa nhưng tỉ lệ đậu quả rất thấp, có những cây không cho quả nào. “Nếu vườn mắc ca này có 70% đậu quả thì đem lại kinh tế cao so với trồng cà phê, còn nếu như tình trạng này tiếp tục thì không bằng trồng cà phê”, chị Sâm tâm sự.
CHỈ NÊN TRỒNG XEN CÀ PHÊ
Thực tế tại các tỉnh Tây Nguyên mắc ca được bà con biết đến từ nhiều năm nay và đã trồng tự phát. Nhà nhiều thì vài trăm cây, nhà ít vài chục cây, trồng xen với cà phê. Theo người dân, phần làm bóng mát cho cà phê, phần trồng thử nghiệm xem kết quả như thế nào, lúc đó mới đầu tư phát triển. Còn về phía các cơ quan chuyên môn cũng chưa khuyến khích bà con trồng, chỉ khuyến cáo người dân nên trồng thử nghiệm trước khi trồng đại trà.
Cây mắc ca được trồng xen với cà phê ở Đắk Lắk nhưng năng suất cà phê vẫn không giảm
Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nhận xét: “Qua nghiên cứu, Viện đánh giá đây là một cây khó trồng, bởi phụ thuộc vào điều kiện sinh thái. Mắc ca chỉ thích hợp với vùng á nhiệt đới, do đó, trồng được ở Tây Nguyên nhưng phải có chọn lọc. Chúng ta nên trồng ở những vùng có nhiệt độ lạnh. Thời điểm cây ra hoa thích nghi nhiệt độ từ 18-25 độ C, nhưng ở Tây Nguyên có rất ít vùng có nhiệt độ như vậy.
Tại những vườn khảo nghiệm ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Đắk Mil (Đắk Nông), Bảo Lộc (Lâm Đồng) cây ra hoa nhưng tỉ lệ đậu quả chưa được nhiều. Như Buôn Ma Thuột, trồng từ năm 2002, đối với giống tốt thì năng suất đạt 5kg/cây, có cây được 0,2kg, tính bình quân 1 ha đạt 300-400kg, còn đối với Đắk Mil đạt 600kg. Bảo Lộc thì còn kém hơn”.
“Hàng năm có 1-2 đoàn chuyên gia Úc qua đánh giá hiệu quả mắc ca trồng ở vườn tôi. Tại đây, đoàn công tác Úc cho rằng, trong tất cả các vườn thử nghiệm ở Việt Nam thì vườn nhà tôi là tốt nhất, với năng suất 4-5 tấn/ha (trồng năm thứ 9) sánh ngang với mắc ca trồng ở Úc, có nhiều cây năng suất cao hơn ở Úc”, ông Nguyễn Văn Cúc cho biết. |
Hỏi về việc liệu mắc ca có thể thay thế diện tích cà phê “lão hóa” ở Tây Nguyên được không? Ông Vinh khẳng định: “Có thể thay thế được, tuy nhiên phải xem xét kỹ điều kiện sinh thái tương đối thích hợp, chế độ nhiệt thấp từng vùng và chế độ chăm sóc”.
“Để phát triển diện tích cây mắc ca nên trồng xen, không nên trồng thuần. Chúng ta tiếp tục nên trồng thử nghiệm, sau đó mới đi vào đại trà, nếu không sẽ có những vùng thất bại”, ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Đỗ Ngọc Duyên, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết: Hiện toàn tỉnh có khoảng 450 ha trồng mắc ca, tập trung chủ yếu ở huyện Tuy Đức và Đắk Mil. Số diện tích này được người dân trồng xen với cà phê.
Đặt câu hỏi về việc liệu cây mắc ca có thể thay thế diện tích cà phê già cỗi, ông Duyên nói: “Đấy là điều không thể, bởi thực tế hiệu quả mắc ca đem lại chưa rõ ràng, ngoài ra nhà máy thu mua chưa có khiến người dân chưa mặn mà”.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn