Nguy cơ lan rộng
Sau khi hoành hành ở 6 tỉnh miền Bắc (Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh), dịch heo tai xanh đã tấn công vào các tỉnh phía Nam, với sức lây lan ngày càng mạnh. Chiều ngày 25/6, UBND tỉnh Bình Dương đã công bố dịch heo tai xanh trên địa bàn 2 xã An Lạc và Tân Định của huyện Tân Uyên. Chỉ tính riêng 2 xã này đã có 700 con heo bị chết vì bệnh hoặc bị tiêu hủy. Ngay sau khi phát hiện bệnh, cán bộ thú y đã tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh cho 13.000 con heo ở 2 xã trên.
Dịch heo tai xanh cũng đang “làm mưa làm gió” ở Đồng Nai, tình hình nghiêm trọng đến mức, UBND tỉnh coi nhiệm vụ chống dịch heo tai xanh như chống lụt. Điều này cũng dễ hiểu bởi Đồng Nai có tổng đàn heo trên 1,2 triệu con, trong đó nuôi theo hình thức trang trại chiếm khoảng 61%. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, dịch có thể khiến các trang trại gục ngã hoàn toàn sau khi đã lao đao vì thông tin thịt heo nhiễm chất cấm. Đến thời điểm này, dịch heo tai xanh đã xảy ra ở 3 xã và thị trấn Vĩnh An của huyện Vĩnh Cửu. Theo Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, 10 xã thuộc 3 huyện lân cận vùng dịch là Trảng Bom, Thống Nhất và Định Quán đang nằm trong vùng bị uy hiếp. Đó là chưa kể trên địa bàn có các chợ buôn bán heo, các sản phẩm từ heo, tập trung nhiều lò giết mổ nên nguy cơ lây lan dịch đang hiện hữu.
Nông dân Bạc Liêu cũng đang khốn đốn vì dịch heo tai xanh vì chỉ riêng trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Lợi và Giá Rai đã xuất hiện 14 ổ dịch với 119 con heo mắc bệnh bị tiêu hủy. Để tăng cường việc phòng chống bệnh heo tai xanh, ngành nông nghiệp đã đề xuất UBND tỉnh chi trên 900 triệu đồng từ ngân sách để mua 30.000 liều vắc - xin phòng bệnh heo tai xanh.
Vì đâu nên nỗi?
Nhìn vào “đường đi” của dịch heo tai xanh, căn cứ vào cơ chế lây lan của bệnh (virus có thể phát tán thông qua các hình thức vận chuyển heo mang trùng, theo gió, bụi, nước bọt, dụng cụ chăn nuôi, dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng…) thì có thể khẳng định, công tác kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ heo còn kém; khâu phát hiện và thông báo dịch chậm và việc xử lý chưa được chủ động, thậm chí có một số đối tượng còn tận dụng heo bị bệnh để làm ruốc, chưng với mắm tép cung cấp cho thị trường.
Đơn cử như gần đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.Hà Nội) đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở chuyên thu mua và buôn bán thịt heo chết do mắc bệnh heo tai xanh tại xã Khánh Hà (huyện Thường Tín). Chủ cơ sở là Nguyễn Văn Hải, nguồn heo chết được Hải mua từ Nguyễn Bá Trọng ở thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn (Chương Mỹ). Thịt heo sau khi mua về được Hải bóc tách lấy xương sườn, xương cục, chân giò… đem bán lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện Thường Tín. Số thịt nạc còn lại được Hải bán cho một cơ sở chế biến thực phẩm trên đường Nguyễn Khoái (phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) với số lượng trung bình 200 kg/ngày.
Lý giải cho tình trạng dịch tai xanh diễn biến phức tạp, ngành chức năng Bạc Liêu cho rằng, đó là do giá vắc-xin tiêm phòng quá cao (34.000 đồng/liều), đẩy chi phí chăn nuôi tăng trong khi giá heo hơi liên tục giảm, khiến nông dân ngại không muốn tiêm phòng cho đàn heo. Theo báo cáo của Cơ quan Thú y vùng VI, trong quý I/2012, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm ở các tỉnh trong vùng giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, 2 loại vắc-xin tiêm trên trâu, bò là tụ huyết trùng giảm tới 57%, vắc-xin lở mồm long móng giảm tới 85%, vắc-xin tai xanh cũng trong tình trạng tương tự.
Nhưng có một nghịch lý là tại sao công tác tiêm phòng chỉ được đẩy mạnh khi dịch bệnh được phát hiện chứ không thực hiện theo định kỳ?
Tiêm vắc-xin phòng được dịch, sao không mặn mà?
Thực tế này đã được khẳng định nhưng vì nhiều nguyên nhân người chăn nuôi vẫn chưa mặn mà với việc tiêm phòng vắc-xin. Đơn cử như ở Tiền Giang, vắc-xin tai xanh nhược độc JXA1-R của Trung Quốc đã được đưa vào thử nghiệm năm 2010 và sử dụng đại trà năm 2011 trên hộ không có heo bệnh và hộ đang có heo bệnh. Hộ không có heo bệnh sau khi tiêm phòng thì tỷ lệ heo phát bệnh tai xanh rất thấp, dưới 0,5%. Đối với hộ đang có heo bệnh thì heo phát bệnh sau tiêm phòng chiếm dưới 15%. PGS.TS. Phùng Quốc Chướng, Viện Thú y quốc gia khẳng định: “Tiêm vắc-xin tai xanh chủng nhược độc Trung Quốc chủng JXA1-R có thể phòng và khống chế được dịch tai xanh. Tại xã Hiếu Liêm (Vĩnh Cửu - Đồng Nai), sau 10 ngày tiến hành tiêm vắc-xin đã khống chế được dịch. Ngoài ra, tiêm vắc-xin tai xanh vào đàn heo còn có lợi thế là nếu heo bị bệnh tai xanh nhẹ sẽ khỏi”.
Một số bác sĩ thú y khuyến cáo người chăn nuôi, ngoài tiêm phòng vắc-xin tai xanh, khi xuất hiện bệnh tai xanh nên kết hợp điều trị bằng thuốc kháng sinh, heo sẽ nhanh bình phục hơn. Theo ông Hoàng Sơn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, hiện tỉnh đã cho thành lập 5 chốt kiểm dịch tạm thời để tránh trường hợp người dân vận chuyển heo bệnh ra ngoài vùng dịch. Song biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch vẫn là người chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc, bệnh tai xanh và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Với vùng có dịch, người chăn nuôi phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại 3 lần/tuần và các vùng khác từ 1-2 lần/tuần. Khi thấy heo có triệu chứng bệnh, người chăn nuôi phải báo với chính quyền địa phương hoặc cán bộ thú y.
Về vắc-xin phòng chống dịch, theo Cục Thú y, Thủ tướng Chính phủ đã duyệt cho Bộ Nông nghiệp và PTNT mua dự phòng 500.000 liều vắc-xin phòng bệnh tai xanh. Đến nay bộ đã cấp và sử dụng hơn 400.000 liều, còn lại chưa đủ 100.000 liều. Tới đây, nếu dịch tai xanh xảy ra trên diện rộng thì nhiều khả năng sẽ thiếu vắc-xin để chống dịch khẩn cấp. Trước mắt bộ đã có văn bản đề nghị mua thêm vắc-xin để chống dịch tai xanh và hiện đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn