Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt lợn để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ, giúp giảm giá thành bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn, đảm bảo các chỉ số cân đối lớn về CPI theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, lực lượng quản lý chuyên ngành tại biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thịt lợn nhằm bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các địa phương, người chăn nuôi trong việc tái đàn gắn với chọn lọc con giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm; tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành có liên quan chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu Chính phủ các giải pháp đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững, ổn định thị trường thực phẩm trong nước, thu nhập của người chăn nuôi.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời và sát thực tế về nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm, nhất là đối với thịt lợn, đảm bảo không xảy ra việc tăng giá do yếu tố tâm lý.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi phát triển chăn nuôi lợn với quy mô hợp lý; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt lợn trên địa bàn; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá; khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp với nguồn cung thực phẩm trong nước.
Theo đánh giá của ngành Thống kê và Chăn nuôi, nguồn cung lợn thịt trong sản xuất có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng số lượng không lớn. Cụ thể, sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong quý 1, sang đến quý 2 đã phục hồi tăng khoảng 0,4% và dự kiến tăng 1,5-2% vào quý 3 và quý 4. Bởi, đầu tháng 4 năm nay thị trường có dấu hiệu khả quan nên người chăn nuôi thâm canh tăng năng suất, nuôi vỗ béo, nuôi sinh sản làm tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường các tháng cuối năm.
Về giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước, người chăn nuôi chi phối. Ðặc biệt, giá lợn hơi hiện tăng cao hơn ở các khu vực nông thôn, chợ cóc, khu vực giết mổ nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do thợ mổ ở khu vực này không có điều kiện tiếp cận được những cơ sở chăn nuôi trang trại, doanh nghiệp - nguồn cung chính mặt hàng lợn thịt hiện nay, thế nên càng làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao, gây lan toả tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá thịt lợn cả nước lên cao...
Theo VG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn