Ruộng bí xanh được anh Bằng thiết kế giàn chóp để cây leo lên và treo quả.
Gian nan bài toán trồng cây gì!
Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Bằng vào một buổi trưa, giữa cái nắng gắt đầu hè của miền Tây xứ Nghệ, anh Bằng vẫn miệt mài bên ruộng đồng bí xanh sai trĩu quả.
Anh Nguyễn Văn Bằng rất vui khi các giàn bí xanh của gia đình cho ra rất sai quả.
Vuốt nhẹ những giọt mồ hôi lăn dài trên má, chỉ tay vào khu ruộng 3 sào trồng bí xanh trước mặt, anh tươi cười tâm sự: “Trước đây, cánh đồng này vốn trồng hoa màu, cứ mỗi năm 3 vụ trồng lạc, đỗ rồi ngô. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, công sức bỏ ra lớn mà hiệu quả kinh tế không cao. Cũng vì thế, nhiều hộ dân chán đã bỏ hoang đất ruộng…”.
Không bỏ hoang được đất, sau nhiều đêm trăn trở và tìm tìm tòi “đánh vật với bài toán trồng cây gì, anh Bằng quyết tìm hướng sản xuất mới, thay đổi cơ cấu cây trồng với mong muốn mang lại nguồn thu nhập cao hơn. “Không trải qua một trường lớp đào tạo nào, kiến thức, kinh nghiệm còn hạn chế, nhiều lúc tôi loay hoay mãi trong việc tìm giống cây trồng thích hợp với điều kiện đất đai cũng như thời tiết của quê hương..”, anh Bằng thật thà tâm sự.
Ai đi qua ruộng trồng bí xanh cho leo giàn chóp của gia đình anh Bằng đều tấm tắc khen đẹp, sai quả.
Sau nhiều lần thử nghiệm nhiều giống cây mới, tháng 11 năm 2017 gia đình anh Bằng quyết định trồng thử 3 sào bí xanh cho leo giàn chóp. Anh chia sẻ: “Ban đầu ai cũng bảo tôi “khác người, liều” bởi vốn ít, kinh nghiệm chưa có, trong khi đó cả làng chưa ai trồng bí xanh bao giờ”. Tuy nhiên, hiện tại ngắm nhìn những ruộng bí xanh mướt, quả to tròn, ai cũng gật gù khen ngợi anh Bằng “mát tay”.
Thành công ngoài mong đợi
Theo anh Bằng, bí xanh là giống cây dễ trồng, lại ít sâu bệnh.Vốn bỏ ra ít, lại cho năng suất cao. Quan trọng nhất vẫn là khâu làm giàn cho bí. Thông thường, người ta tận dụng những thanh nứa, tre, kết lại với nhau thành giàn ngang cho bí leo và kết trái.
Mặc dù là trồng thử nghiệm vụ đầu tiên, nhưng cây bí xanh đã tỏ ra thích hợp với đồng đất xã Lam Sơn quê anh Bằng.
Tuy nhiên, những ruộng bí của anh Bằng lại được làm bằng giàn chóp khá lạ và độc đáo. Khi dựng giàn lên, nhiều người khen là đẹp. “Vì diện tích “khiêm tốn” để tận dụng tối đa nguồn đất, tôi quyết định làm giàn chóp, vừa tiết kiệm đất trồng, lại giúp cây dễ sinh trưởng, mang lại năng suất cao... Bên cạnh đó, việc làm giàn chóp tạo điều kiện thuận lợi trong việc chăm bón và thu hoạch bí…”, anh Bằng thổ lộ.
Tháng 3 vừa rồi, ruộng bí xanh của gia đình anh Bằng đã cho thu hoạch. Trừ chi phí, gia đình anh thu về cả chục triệu đồng. Anh Bằng tươi cười tâm sự “Trồng bí nhanh cho thu hoạch hơn hoa màu khác, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 3 lần. Mỗi sào ước tính đạt 2 tấn, với giá thị trường hiện tại dao động từ 18-20.000 đồng/kg, thương lái đến tận vườn thu mua…”.
Anh Nguyễn Văn Bằng cho biết, trồng bí xanh cho leo giàn chóp đạt năng suất 2 tấn/sào, giá bán tại ruộng là từ 18-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi cả chục triệu đồng.
Sau thành công của bí xanh leo giàn chóp vụ Đông Xuân vừa qua, sắp tới gia đình anh Bằng sẽ mở rộng diện tích lên 6-7 sào để trồng ở vụ Hè Thu…
Mô hình trồng bí xanh cho leo giàn chóp bước đầu đã mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình anh Nguyễn Văn Bằng. Có thể coi đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, góp phần xóa đói giảm nghèo, hướng tới làm giàu cho nhiều hộ dân ở đây bởi bí xanh là giống cây dễ trồng, cho thu hoạch nhanh, ít tốn chi phí chăm sóc. Tuy nhiên, theo anh Bằng, việc mở rộng diện tích và phát triển cây bí xanh về lâu dài cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành, để giải quyết những khó khăn về nguồn giống, vốn đầu tư và thị trường đầu ra, tránh trồng ồ ạt dẫn tới dư thừa…
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn