Hai vợ chồng ông Phan Văn Hiền và bà Phan Thị Dính ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có 4 sào ruộng khoán.
Qua 2 vụ liên tục bị mất mùa do sâu bệnh và chuột phá hoại, đến vụ đông xuân này, bà Dính đã đi ngỏ lời với nhiều người trong xã để nhường ruộng. Dù không phải mất tiền để thuê nhưng cũng chẳng ai nhận ruộng của bà Dính để làm cả. Bỏ ruộng hoang thì “mang tiếng” nên vụ này 2 vợ chồng vẫn cứ làm nhưng gieo cấy xong thì để đó chứ chẳng quan tâm, chăm sóc gì. “Chi phí sản xuất cao, trong khi giá lúa lại rất thấp. Với 4 sào ruộng đó, nếu được mùa thì cũng chỉ đủ gạo ăn trong nhà, còn nếu mất mùa thì coi như lỗ nặng” – bà Dính nói.
Ruộng bị bỏ hoang cho cỏ mọc và thành nơi thả trâu bò.
Theo khảo sát sơ bộ của phóng viên NTNN tại 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ - được xem là 2 vựa lúa của tỉnh Quảng Bình, hàng trăm hộ nông dân đã cho thuê ruộng. Hầu hết các hộ chỉ để lại một ít làm đủ gạo ăn trong gia đình, còn lại thì cho thuê. Thậm chí có nhiều hộ có từ 1 - 3 mẫu ruộng nhưng cũng cho thuê tất vì đã chán ruộng. Gia đình bà Võ Thị Hiền ở xã Sơn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ có 3 mẫu ruộng nhưng vụ đông xuân này bà đều cho những nông dân khác thuê. “Làm ruộng lỗ nên tôi cho thuê để đi làm việc khác có thu nhập hơn. Mức thuê chỉ là 8 yến thóc/sào/ vụ chứ cho thuê giá cao hơn nữa chắc không ai nhận làm” – bà Hiền chia sẻ.
Ông Huỳnh Thọ - nông dân ở xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ giải thích việc bỏ ruộng: “Trước đây chi phí sản xuất thấp, chi cho tiêu dùng hàng ngày và lo con cái học hành còn thấp thì làm ruộng có thể sống được. Còn bây giờ cái gì cũng tăng vọt, làm ruộng không đủ bù chi phí nên ngày càng mang nợ. Nông dân như tôi thì nguồn thông tin và kiến thức đều hạn chế. Tôi cũng rất muốn chuyển đổi sang cây gì đó để trồng cho có thu nhập hơn nhưng cũng không dám mạo hiểm vì không biết chất đất có phù hợp không, làm ra bán có ai mua không...”.