|
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, tỷ lệ hộ nghèo vào cuối năm 2014 còn khoảng 5,8- 6%, giảm được 1,8-2% so với năm 2013. Riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm còn 33,2%, đảm bảo kế hoạch đặt ra từ đầu năm. Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cũng cho thấy, các chính sách giảm nghèo đã tiếp tục phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo. Cụ thể, năm 2014, ngân sách đã bố trí khoảng 12.822 tỷ đồng để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo, học sinh sinh viên. Cũng trong năm 2014 đã thực hiện cho 433.192 lượt hộ nghèo vay vốn, với doanh số 9.577.443 triệu đồng; 502.420 lượt hộ cận nghèo vay vốn, với doanh số 10.544.862 triệu đồng; 61.500 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay với doanh số 3.410 triệu đồng. Bên cạnh các chính sách giảm nghèo nói chung, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ như chính sách chăm sóc, giao khoán và bảo vệ rừng; chính sách khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang; chính sách tăng cường hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo…. góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn gặp nhiều trở ngại là giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo vẫn diễn ra ở một số vùng, cơ chế chính sách còn một số nội dung chồng chéo, trùng lắp và khó thực hiện."Mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%. Số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước” – Báo cáo chỉ rõ. Trước những hạn chế bất cập này, phát biểu tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2015 mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững nhấn mạnh: Trong quá trình định hướng lại chính sách giảm nghèo, các Bộ, ngành phải ưu tiên tập trung cao độ cả về chính sách và nguồn lực cho những vùng trọng điểm có tỷ lệ hộ nghèo cao, hướng theo việc giảm nghèo đa chiều, bền vững, dựa vào hỗ trợ của cộng đồng, xã hội. Trao đổi với báo chí xung quanh việc xây dựng chuẩn nghèo mới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Để giải quyết chính sách cho các đối tượng nghèo, Bộ đã tham mưu Chính phủ tập trung nguồn lực để giải quyết khó khăn về hạ tầng cho các huyện, xã đồng bào dân tộc còn 30 đến 40% hộ nghèo. Đồng thời, giảm chính sách cho không và thay vào đó là chính sách cho vay, không chỉ cho hộ nghèo mà cả hộ cận nghèo, để tỷ lệ tái nghèo giảm đi. Bên cạnh đó Bộ chuẩn bị xây dựng chuẩn nghèo mới. Qua đó, có cơ sở đánh giá toàn diện hơn và phù hợp với xu hướng chung của quốc tế. Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyển, chuẩn nghèo hiện hành sẽ tiếp tục thực hiện đến hết 2015. Từ 2016 trở đi sẽ tiếp cận theo hướng nghèo đa chiều, một mặt nhằm đảm bảo được mức sống tối thiểu của hộ gia đình, mặc khác phải đáp ứng được các nhu cầu xã hội cơ bản. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn