Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Mục tiêu đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3,0%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6%-8%/năm. Đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa.
Nghị quyết 53/NQ-CP đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp. Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường. Hoàn thiện chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp vượt trội, hiệu quả và bền vững.
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nông nghiệp. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định; nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nông sản.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy manh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế tự nhiên của địa phương để đưa ra các chính sách khuyến khích doanh nghiệp khai thác hiệu quả các điều kiện tự nhiên như: đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước và tài nguyên, đưa địa phương nhanh chóng trở thành những trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 57/2018/NĐ-CP. Tổ chức rà soát, lập, điều chỉnh, công bố công khai quy hoạch sử dụng đất đảm bảo quy hoạch ổn định, tập trung đất thích hợp cho mục đích nông nghiệp.
UBND các cấp tập trung triển khai thực hiện các chính sách cụ thể của trung ương phù hợp với thực tế tại địa phương để xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Chịu trách nhiệm về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; xác định việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, điều hành; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, trước mắt chủ động bố trí kinh phí tương ứng với số thu tiền xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm thuộc ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Phối hợp với các bộ, ngành và địa phương kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các làng nghề thực phẩm, đảm bảo vừa duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng; triển khai mô hình điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm.
Theo VQH/quangngai.gov.vn