Theo đó, các quy định về quản lí thức ăn chăn nuôi, quản lí về điều kiện chăn nuôi đã dành được sự quan tâm góp ý của đông đảo đại biểu tham dự hội nghị.
Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một Luật Chăn nuôi bao gồm 8 chương, 31 điều, cùng 7 phụ lục và 16 biểu mẫu quy định chi tiết các nội dung của Luật Chăn nuôi. Trong đó, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến công tác quản lí thức ăn chăn nuôi (TĂCN), điều kiện chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến (đứng giữa) chủ trì hội nghị. |
Theo Dự thảo Nghị định về quản lí TĂCN: SX TĂCN phải đáp ứng các điều kiện chi tiết về dây chuyền, trang thiết bị, biện pháp bảo quản TĂCN; các giải pháp kiểm soát tạp chất, mối mọt; kiểm soát phát tán và gây nhiễm chéo kháng sinh (trong cơ sở SX TĂCN có kháng sinh). Cơ sở SX TĂCN phải tiến hành việc kiểm tra, đánh giá và phải được cấp (cấp lại) Giấy chứng nhận đủ điều kiện SX TĂCN trong thương mại.
Dự thảo Nghị định cũng đưa ra cách thức, nội dung kiểm tra, đánh giá về điều kiện SX TĂCN chi tiết, với các mẫu biên bản kiểm tra và hướng dẫn các nội dung kiểm tra theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về ngày tuổi đối với từng loại gia súc, gia cầm non (đối tượng vật nuôi chính thường sử dụng TĂCN công nghiệp) được sử dụng TĂCN có chứa kháng sinh để phòng bệnh. Các quy định cụ thể về chế độ kiểm tra nhà nước về chất lượng TĂCN trong quá trình SX và lưu hành; kiểm tra chất lượng TĂCN nhập khẩu... cũng được Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết.
Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, sẽ bắt buộc phải đánh giá, cấp giấy phép mới được hoạt động |
Một điểm mới và được kỳ vọng nhằm tạo bước chuyển mới cho quá trình chuyển dịch, tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đó là nhóm các quy định của Dự thảo Nghị định liên quan đến điều kiện chăn nuôi.
Theo đó, Chương IV của Dự thảo đã tập trung 6 điều, quy định chi tiết về điều kiện chăn nuôi. Trong đó, quy định chi tiết về nguyên tắc xác định quy mô chăn nuôi, cụ thể: Quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định bằng đơn vị vật nuôi tối đa tại cơ sở chăn nuôi, phân theo các cấp độ quy mô như trang trại lớn (300 đơn vị vật nuôi trở lên); trang trại vừa (từ 30 đến 300 đơn vị vật nuôi); trang trại nhỏ (từ 10 đến 30 đơn vị vật nuôi) và dưới 10 đơn vị vật nuôi là nông hộ (kèm theo quy định cách tính về Hệ số đơn vị vật nuôi đối với từng vật nuôi cụ thể).
Căn cứ vào 7 vùng sinh thái và diện tích đất nông nghiệp, Dự thảo hướng dẫn cụ thể cho việc xác định quy mô, mật độ chăn nuôi. Việc xác định mật độ chăn nuôi được quy định theo Đơn vị vật nuôi trên cơ sở tính toán mật độ chăn nuôi hiện tại và có điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược phát triển ngành chăn nuôi...
Điểm đáng chú ý, đó là Dự thảo quy định các cơ sở chăn nuôi lớn, phải được kiểm tra đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi (do Sở NN-PTNT các tỉnh cấp), với các yêu cầu chặt chẽ về hồ sơ, trình tự thủ tục, cấp lại, cấp mới, thu hồi; các thuyết trình và nhiều loại hồ sơ liên quan đến đánh giá tác động mới trường, yêu cầu đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học....
Tại hội nghị, các quy định về công tác quản lí TĂCN và điều kiện chăn nuôi đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương, chuyên gia và đại diện các tổ chức, bộ ngành liên quan.
Đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Chăn nuôi, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng: Các quy định về chăn nuôi có điều kiện, cần phải được nghiên cứu, xem xét kỹ càng hơn và dễ hiểu, dễ áp dụng hơn để các địa phương thuận tiện trong triển khai. Bên cạnh đó, việc xác định mật độ chăn nuôi theo các vùng sinh thái cần phải nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp, theo đó các tỉnh miền núi, vùng đang có mật độ chăn nuôi thấp cần được điều chỉnh lên mức cao hơn như Trung du MNPB, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ..., đồng thời giảm mật độ ở các khu vực đã có áp lực lớn về chăn nuôi như vùng ĐBSH, Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu lại quy mô xác định hộ chăn nuôi bao nhiêu là ở quy mô lớn, buộc phải đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Luật Chăn nuôi ra đời là quá trình soạn thảo, lấy ý kiến rất nghiêm túc, rộng rãi, kỹ lưỡng của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức liên quan. Về Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhất trí với ý kiến của các đại biểu về việc cần tiếp tục nghiên cứu về một số nhóm nội dung như mật độ chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi... Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự đóng góp có chất lượng, có trách nhiệm cao của các đại biểu, đề nghị Tổ soạn thảo Dự thảo Nghị định tiếp thu và tổng hợp nghiêm túc, để hoàn thiện dự thảo Nghị định trong thời gian tới. Luật Chăn nuôi được thông qua ngày 19/11/2018 tại Kỳ họp Thứ 6, Quốc hội Khoa XIV, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn