Mặt hàng gỗ dán nguyên liệu là gỗ cứng được xếp ở mức 4, là mức cảnh báo cao nhất về nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Canada.
Bộ Công Thương phân loại theo 4 mức độ cảnh báo. Các sản phẩm ở mức 4 và 3 là nhóm mặt hàng cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp liên quan. Nhóm sản phẩm ở mức cảnh báo 2 và mức 1 là nhóm cần quan tâm và tiếp tục theo dõi.
Mặt hàng gỗ dán nguyên liệu là gỗ cứng được xếp ở mức 4 - mức cảnh báo cao nhất.
Theo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 12/2016; áp thuế tạm thời từ tháng 6/2017, áp thuế chính thức tháng 12/2017.
Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc là 183,36%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 22,98% đến 194,90%.
Tháng 9/2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc có lớp veneer bên ngoài làm từ gỗ thông.
Tháng 11/2018, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bằng hình thức chuyển tải đối với các sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam trên cơ sở nghi ngờ công ty Finewood Việt Nam có các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.
Từ tháng 10/2018 đến 5 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với sản phẩm gỗ dán nên USITC không công khai số liệu một số sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu cao từ Trung Quốc và Việt Nam để đảm bảo tính khách quan trong quá trình điều tra.
Tuy nhiên, theo số liệu của Hải quan Việt Nam cung cấp, trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam sang Hoa Kỳ đối với các mã HS bị điều tra đạt 25,6 triệu USD.
Hiện tại, do Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế dưới hình thức chuyển tải đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam nên cần phải tiến hành tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ.
Với sản phẩm đá nhân tạo, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5/2018. Thuế tạm thời được áp dụng từ tháng 9/2018, thuế chính thức được áp dụng từ tháng 5/2019.
Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc từ 265,81% đến 336,69%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 45,32% đến 190,99%.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Trung Quốc giảm 89% so với cùng kỳ năm 2018, từ mức 216,5 triệu USD xuống còn 23,6 triệu USD.
Cũng trong thời gian này, kim ngạch nhập khẩu đá nhân tạo của Hoa Kỳ từ Việt Nam tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018 từ 21,6 triệu USD lên 26,1 triệu USD.
Ngoài ra, cảnh báo mức 3 còn có các sản phẩm giá để đồ bằng sắt, đệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn.
Các sản phẩm ở mức cảnh báo 2 là vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp.
Các sản phẩm ở mức cảnh báo 1 gồm thép chống ăn mòn, ruy băng trang trí.
Cũng liên quan đến việc áp thuế một số dòng sản phẩm từ Việt Nam, ngày 2/7 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thép carbon chống ăn mòn (thường được gọi là tôn mạ) và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã khởi xướng 3 vụ điều tra thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ, thép cán nguội của Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Chính thức áp dụng biện pháp thuế tự vệ đối với phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam
Mới đây, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu vào Việt Nam.
Bộ Công thương cho biết, mức thuế hiện tại là 1.072.104 đồng/tấn. Biện pháp sẽ hết hạn kể từ ngày 07/3/2020 (nếu không gia hạn).
Theo Điều 69 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, chậm nhất 09 tháng trước ngày quyết định áp dụng biện pháp tự vệ hết hiệu lực, Cơ quan điều tra thông báo về việc tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Trước đó, ngày 31/5/2019, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) đăng thông báo công khai về việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp. Ngày 02/7/2019, Cục PVTM nhận được Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ của Công ty DAP-Vinachem và Công ty DAP số 2- Vinachem. Sau khi thẩm định Hồ sơ, ngày 03/9/2019, Bộ Công Thương ban hành
Quyết định số 2700/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu.
Bộ Công thương cho biết, hàng hóa nhập khẩu tiến hành rà soát đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP, có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 06 tháng kể từ ngày có Quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 06 tháng.
Tất cả các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan trong vụ việc có thể đăng ký với Cơ quan điều tra để trở thành Bên liên quan. Bên liên quan sẽ được tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến việc hàng hóa thuộc đối tượng rà soát.
Đơn đăng ký làm bên liên quan theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 2700/QĐ-BCT phải được gửi tới Cơ quan điều tra theo địa chỉ dưới đây trong thời hạn hai mươi (20) ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định rà soát, tức là đến ngày 02/10 năm 2019.
Cơ quan điều tra khuyến nghị tất cả các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên đăng ký để làm bên liên quan để có thể bình luận, tiếp cận các thông tin, hồ sơ vụ việc để đảm bảo lợi ích hợp pháp của mình.
Xuất khẩu sắn đối mặt cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan
Dự báo, các tháng cuối năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Tính tới hết tháng 8, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,6 triệu tấn, tương ứng với 608 triệu USD, giảm 6,7% về khối lượng và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 8 tháng đầu năm khi chiếm tới 88,5% giá trị xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là xuất khẩu sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm chỉ đạt 1,2 tỷ USD, tương đương 466,3 nghìn tấn, lần lượt giảm 4,1%về khối lượng và giảm 9,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Về lý do xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc bị sụt giảm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải: Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu từ Lào và Campuchia.
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong nửa đầu năm nay, lượng sắn và sản phẩm từ sắn Trung Quốc nhập khẩu từ Campuchia tăng 74,5% và Lào tăng tới 246,6% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo các tháng cuối năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước Thái Lan, Campuchia và Lào.
Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đưa ra nhận định xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sẽ có dấu hiệu khởi sắc trở lại do nguồn cung trở nên khan hiếm hơn khi sản lượng sắn tại Tây Nguyên ước giảm mạnh tới 50%. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán và dịch bệnh dự kiến cũng làm giảm 20% sản lượng của Thái Lan trong niên vụ 2019 – 2020.
Ngoài ra, sản lượng sắn của Campuchia dự báo niên vụ 2019-2020 tiếp tục giảm thêm 20%; tồn kho tại các doanh nghiệp của Trung Quốc gần như bằng không; nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (45%)./.