Về huyện Hưng Nguyên trong không khí những ngày mùa Thu cách mạng, dọc các tuyến đường, chúng tôi đều thấy cờ hoa rực rỡ. Tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ Xô-viết Nghệ Tĩnh, học sinh Trường THPT Thái Lão (huyện Hưng Nguyên) đang viếng các liệt sĩ. Em Phạm Thị Kim Thoa, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Thái Lão chia sẻ: “Hằng tuần, chúng em luân phiên đến đây để làm vệ sinh, chăm sóc cây trong khu tưởng niệm. Nhớ về công ơn của các anh hùng, liệt sĩ, chúng em càng thêm tự hào về truyền thống của quê hương".
Xã Hưng Nhân là xã thuần nông của huyện Hưng Nguyên, mặc dù nằm ngoài đê sông Lam, thường xuyên bị ảnh hưởng lũ lụt nhưng xã đang trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Từ xa, cánh đồng của xã nhìn ngút tầm mắt, đang bước vào vụ thu hoạch lúa và kê. Vụ hè-thu năm nay, toàn xã thu hoạch được hơn 470 tấn lúa, hơn 30 tấn kê, khoảng 550 tấn lạc. Theo kế hoạch, năm 2019 xã Hưng Nhân mới "cán đích" nông thôn mới nhưng với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, mục tiêu xây dựng nông thôn mới của xã sẽ được hoàn thành vào năm 2018. Hiện nay, xã Hưng Nhân đã đạt 13 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó, hệ thống đường giao thông đã được bê tông hóa 100%. Những cánh đồng kiểu mẫu đem lại năng suất cao đã được thực hiện đang từng ngày làm thay đổi diện mạo của vùng quê nơi đây. Xã đã xây dựng được 5 cánh đồng có thu nhập cao, mỗi héc-ta đạt hơn 120 triệu đồng/năm. Xã cũng triển khai thành công mô hình chăn nuôi trâu, bò; đàn bò sinh sản được hơn 1.200 con bê mỗi năm. Mô hình chăn nuôi gia cầm cũng đang được các hộ dân trong xã phát triển tốt, hằng năm cho thu hoạch hơn 40 nghìn con các loại. Hưng Nhân đang triển khai mô hình trang trại ở bãi bồi, vừa trồng cây hoa màu có kinh tế cao, vừa nuôi trồng thủy sản, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trao đổi với chúng tôi về kinh nghiệm trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ông Phan Đình Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hưng Nhân cho biết: “Do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp nên việc nghiên cứu, tìm hiểu cách làm hay từ khắp nơi rồi vận dụng vào địa phương cho phù hợp luôn được Đảng ủy, UBND xã chú trọng. Các vụ mùa nơi đây đều phải thực hiện trước lịch từ 10 đến 15 ngày để còn tránh lũ. Bên cạnh đó, chúng tôi có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân tham gia cánh đồng kiểu mẫu 5 triệu đồng/ha, hỗ trợ 50% giống lúa cho nông dân trong vụ hè-thu...”.
Những năm qua, tăng trưởng kinh tế của huyện Hưng Nguyên vẫn luôn được duy trì, riêng năm 2016, tăng trưởng đạt 8%, thu ngân sách đạt 690 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư, phát triển đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 123% cùng kỳ, thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học quan trọng đã và đang được huyện Hưng Nguyên tập trung giải phóng mặt bằng, triển khai thi công. Các dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng đều đáp ứng được mục tiêu, hiệu quả, phát huy được tác dụng, giải quyết được nhu cầu cấp thiết về dân sinh, nhất là các công trình giao thông, giáo dục, y tế…
Bằng nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư, trên địa bàn huyện Hưng Nguyên hiện có 168 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Đồng chí Ngô Phú Hàn, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên chia sẻ: “Hưng Nguyên là huyện phụ cận TP Vinh, do vậy, việc phát triển công nghiệp vệ tinh đô thị đang là xu hướng mà huyện hướng tới. Để đạt được mục tiêu ngành công nghiệp-dịch vụ chiếm tỷ trọng hơn 80% đến năm 2020, huyện Hưng Nguyên sẽ tiếp tục quảng bá, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn huyện; ưu tiên phát triển công nghệ sạch; đẩy mạnh phát triển các làng nghề; xây dựng thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, giúp đời sống người dân huyện Hưng Nguyên không ngừng được nâng cao.
Theo báo qdnd.vn