Hôm nay (22/4/2013), BCĐ Trung ương về giảm nghèo bền vững đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá việc thực hiện công tác giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh- Trưởng BCĐ Trung ương chủ trì hội nghị.
2 năm qua, tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, song Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Từ các nguồn vốn khác nhau, hơn 60.000 tỷ đồng đã được đầu tư cho chương trình giảm nghèo. Theo đó, có 29 triệu lượt người nghèo, dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 39 ngàn người thuộc hộ nghèo sau học nghề có việc làm ổn định thoát nghèo; trên 500 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở;…
Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011) và 9,6% (năm 2012), bình quân giảm 2,3%/năm.
Các ý kiến đại biểu thảo luận tại hội nghị tập trung phân tích những vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại, bài học rút ra trong quá trình triển khai ở cơ sở, giới thiệu những mô hình, cách làm tốt, sáng kiến hay; nhận định thẳng thắn về công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số địa phương chưa cụ thể, sâu sát, chưa quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho hộ nghèo.
Việc bố trí vốn cho cơ sở hạ tầng thiếu tập trung, còn dàn trải, chưa đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vẫn còn một số người nghèo nhưng thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, thậm chí có tình trạng không muốn vươn lên để được giữ trong danh sách hộ nghèo.
Cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 2%/năm; riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn hiện hành; tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo còn dưới 30%.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cho lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội.
Đồng thời yêu cầu lãnh đạo bộ ngành Trung ương, các địa phương ban hành những chính sách hỗ trợ mới, mở rộng thêm đối tượng hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo để hạn chế tái nghèo; quan tâm đào tạo việc làm gắn với sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền để thay đổi hành vi trong xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững;…
Tin, ảnh: THÚY QUYÊN (baovinhlong.com.vn)