Cơ hội cho cây bắp
Bắp là một trong số những cây trồng ngắn ngày đang có nhiều tiềm năng phát triển do nhu cầu trong nước và thế giới có xu hướng tăng. Theo Công ty Bunge, một công ty sản xuất thực phẩm và kinh doanh nông sản hàng đầu thế giới, niên vụ 2013-2014, 6 quốc gia có diện tích trồng bắp lớn nhất trên thế giới cung ứng cho thị trường 689 triệu tấn.
Cũng trong niên vụ này, trên thị trường thế giới sẽ có 114 triệu tấn bắp được xuất khẩu. Dù vậy, sản lượng trên vẫn không đáp ứng yêu cầu tiêu thụ bắp trên thế giới. Chỉ tính tại khu vực các nước ASEAN, dự kiến niên vụ 2013-2014, các nước khu vực này sẽ nhập khẩu 10,9 triệu tấn bắp, tăng 3,6 triệu tấn so với niên vụ trước. Nhu cầu bắp ở Việt Nam cũng rất lớn và là một trong 3 nước nhập khẩu bắp nhiều nhất ở Đông Nam Á.
Niên vụ 2012-2013, Việt Nam nhập khẩu 1,6 triệu tấn bắp. Dự kiến lượng bắp nhập khẩu trong niên vụ 2013-2014 sẽ lên đến 3,5 triệu tấn. Trong khi đó, diện tích bắp ở Việt Nam vẫn còn khả năng mở rộng; năng suất bắp không cao, chỉ đạt khoảng 4,4 tấn/ha (trong khi đó, năng suất bắp ở Mỹ là 10 tấn/ha). Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng có tiềm năng, cơ hội rất lớn cho sản xuất, kinh doanh bắp.
Để đẩy mạnh phát triển cây bắp đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời gian tới, Công ty Bunge cho biết sẽ đẩy mạnh phát triển cây trồng ngắn ngày này ở Việt Nam, cung cấp những tư vấn về nâng chất lượng bắp theo yêu cầu thị trường nội địa và quốc tế, qua đó cải thiện thu nhập và điều kiện sống cho nông dân.
“Công ty đang làm việc với các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn có uy tín để đảm bảo chắc chắn và sẵn sàng cho những vụ mùa bắp sắp tới. Công ty cũng sẽ tiến hành nghiên cứu khả năng xây dựng các trung tâm thu mua bắp tại ĐBSCLvới đầy đủ hệ thống sấy và kho lưu trữ; đồng thời sử dụng ảnh hưởng của công ty để thúc đẩy xuất khẩu bắp Việt Nam ra thị trường thế giới” - vị Tổng Giám đốc Công ty Bunge cho biết như thế tại Hội nghị chuyển đổi cây bắp và các cây trồng khác ở vùng ĐBSCL tổ chức tại Tiền Giang vừa qua.
Cũng tại hội nghị chuyển đổi cây trồng này, Bộ NN&PTNT đã nhận định, thị trường bắp đang rộng mở, khá ổn định, giá đang có xu hướng tăng do nhu cầu đối với nông sản này trên thế giới đang tăng. Nhu cầu bắp ở Việt Nam còn rất lớn nhưng sản xuất không đáp ứng đủ.
Mỗi năm, cả nước thiếu hụt từ 2-3 triệu tấn bắp và thiếu hụt này sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu bắp dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước đang phát triển mạnh. ĐBSCL có lợi thế phát triển cây bắp và cây trồng này trong vùng cũng cho năng suất cao nhất cả nước nên cần được quan tâm phát triển.
Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Thời gian qua, các tỉnh, thành ĐBSCL đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyển diện tích trồng lúa sang trồng các cây ngắn ngày khác thích hợp như rau màu để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng đang gặp không ít khó khăn, trở ngại và băn khoăn khi chuyển đổi. Thực tế này lý giải vì sao tiến độ chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên nền đất lúa trong vùng thời gian qua diễn ra khá chậm.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, những năm qua, Sóc Trăng có rất nhiều mô hình cây màu trên đất lúa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đã gặp một số khó khăn do tập quán làm lúa của người dân vẫn chưa bỏ được, lúa dễ tiêu thụ, giá cả của các nông sản sau chuyển đổi còn chưa hấp dẫn…
Trong khi đó, một số vấn đề kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đối với một số cây trồng chuyển đổi chưa được thống nhất, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ các kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc đối với các cây trồng mới nên không ít người còn ngán ngại. Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất trong việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong thời gian qua là thị trường.
Thực tế, nhiều mô hình chuyển đổi đã được thực hiện trong nhiều năm liền nhưng không thể mở rộng diện tích. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết, giữa sản xuất và tiêu thụ không liên kết với nhau nên đầu ra bất ổn.
Thời gian gần đây, một số mô hình luân canh mè - lúa, phát triển cây màu ở vụ hè thu, nuôi thủy sản ở vụ thu đông… mang lại hiệu quả cao hơn so với chuyên canh lúa nhưng chưa thể thuyết phục được nông dân chuyển đổi do thị trường tiêu thụ không ổn định.
Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp (một tỉnh có phong trào chuyển đổi cây trồng ngắn ngày trên nền đất lúa diễn ra rất mạnh trong thời gian qua) hiện nay, Đồng Tháp đã chủ trương phát triển cây màu chủ lực, trong đó tập trung vào cây bắp, đậu nành, mè, ớt. Một số công ty đã tiến hành xây dựng một số mô hình chuyển đổi cho kết quả rất tốt, nhưng khâu tiêu thụ chưa đáp ứng yêu cầu nên việc chuyển đổi, nhân rộng mô hình diễn ra khá chậm.
Mặt khác, việc bảo quản sau thu hoạch, cơ giới hóa trong trồng và thu hoạch đối với các cây trồng chuyển đổi khó khăn hơn rất nhiều so với lúa do chưa có thiết bị phù hợp. Đó là chưa nói đến hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi trước đây xây dựng để phục vụ trồng lúa giờ chưa kịp chuyển đổi phù hợp để phát triển các cây trồng mới nên cũng gây không ít khó khăn cho sản xuất.
Từ đó, một mặt khuyến khích chuyển đổi, mặt khác các chuyên gia, các nhà quản lý yêu cầu các địa phương và nông dân cần phải hết sức cẩn trọng khi chọn cây trồng chuyển đổi như phải tính đến mức độ phù hợp của từng cây trồng đối với từng vùng đất, yếu tố thị trường...
Để việc chuyển đổi cây trồng hiệu quả, tránh những rủi ro có thể xảy ra, các ngành, các cấp đang xúc tiến việc quy hoạch chuyển đổi cây trồng cho từng vùng, từng cây trồng cụ thể; thống nhất làm rõ “gói” kỹ thuật đối với những cây trồng chuyển đổi; khuyến cáo người dân chuyển đổi những cây trồng có thị trường tiêu thụ.
Theo Báo Ấp Bắc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn