Những năm gần đây, chi đầu tư công cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân (tam nông) tăng lên rõ rệt, nhưng vẫn còn dàn trải, lãng phí, khiến cho hiệu quả đầu tư không cao; nguồn lực, phân bổ đầu tư thời gian qua mới chỉ đáp ứng 55-60% nhu cầu. Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần hoàn thiện các chính sách, pháp luật về nông nghiệp nông thôn, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đi cùng với việc tăng chi từ NSNN và các nguồn đầu tư khác cho khu vực này.
Nguồn lực đầu tư mới đáp ứng 55-60% nhu cầu thực tế Theo thống kê, tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực tam nông từ năm 2006- 2008 là 146.575 tỷ đồng, bằng 45,24% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Trong giai đoạn 2009 - 2011, con số này tăng lên 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển. Ngoài ra, trong giai đoạn 2006 - 2011, đã có 3.833 tỷ USD/26.897 tỷ USD vốn ODA ký kết được đầu tư cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản để phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá tại Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn 2006 - 2011 của UBTVQH, nguồn lực và phân bổ đầu tư cho tam nông mới đáp ứng được 55 - 60% nhu cầu. Đặc biệt, nguồn lực đầu tư chủ yếu vẫn trông chờ vào NSNN, vốn đầu tư từ các nguồn khác chưa đáng kể. Chính vì vậy chưa phát huy được hết tiềm năng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của nước ta, mục tiêu hướng đến một nền nông nghiệp xanh, phát triển còn quá xa vời. Trong đầu tư công, việc giải ngân ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia còn quá chậm. Thông thường, kể từ khi ngân sách được QH quyết định cho đến khi tới được cơ sở phải mất khoảng 10 tháng hoặc lâu hơn nữa. Trong cấu phần vốn ODA đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công tác giải ngân cũng rất chậm chạp. Vốn đầu tư đã chậm, khi về đến cơ sở được triển khai một cách vội vàng để kịp tiến độ nên chất lượng nhiều công trình chưa được bảo đảm. Những bất cập như tiêu cực trong triển khai các chương trình, dự án, quy hoạch chồng chéo, thi công chậm tiến độ đang tiếp tục cản trở công cuộc xây dựng nông thôn. Vẫn chưa có một lời giải hữu hiệu cho việc thiếu các hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm tại các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa… Bên cạnh vốn từ NSNN và vốn ODA, các nguồn vốn khác đầu tư cho tam nông còn hết sức nhỏ giọt do thiếu một cơ chế khuyến khích đầu tư đủ hấp dẫn. Thống kê cho thấy, hiện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong đó, có đến 60% doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản hiện có khoảng 1.400 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư chỉ đạt khoảng 0,9% so với tổng số vốn của doanh nghiệp cả nước. Mặt khác, nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn luôn ở mức rất thấp và có xu hướng giảm dần. Năm 2001, đầu tư cho nông nghiệp chiếm 8% trong tổng cơ cấu FDI nhưng đến năm 2010 chỉ còn 1%. Rủi ro cao, lợi nhuận thấp là lý do khiến dòng vốn FDI "chảy" vào khu vực nông nghiệp ngày càng ít. Nâng cao chất lượng, tính hiệu quả và bền vững trong đầu tư công cho tam nông Để hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới, không còn cách nào khác là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công cho tam nông, đồng thời có những chính sách khả thi để có thể thu hút, đa dạng nguồn đầu tư cho khu vực này. Việc tăng đầu tư cũng cần đi đôi với việc cải thiện chất lượng, tính hiệu quả và tính bền vững trong đầu tư cho nông nghiệp. Vấn đề cốt lõi là phải tăng cường cải thiện hệ thống chính sách hỗ trợ nông dân và đầu tư tài chính cho nông thôn. Theo Giám đốc Học viện Tài chính Ngô Thế Chi, để nâng cao chất lượng đầu tư cho tam nông cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn gắn với phát triển nhanh kinh tế nông thôn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; tăng cường NSNN đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi đôi với việc đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao nhất các nguồn lực trong xã hội, kể cả huy động vốn ODA và FDI đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Việc thu hút các nguồn lực, doanh nghiệp đầu tư cho tam nông cần có một cơ chế ưu đãi đủ hấp dẫn. Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần mở rộng các chính sách ưu đãi về thu tiền sử dụng đất, về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm khuyến khích đầu tư, nhất là các dự án đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến nông sản thực phẩm sau thu hoạch, dự án đầu tư vào các vùng khó khăn. Mặt khác, cần mở rộng hệ thống tín dụng cho khu vực nông thôn với những ưu đãi đặc biệt, tỏa rộng khắp các làng xã cả nước, trong đó phần tín dụng cho nông nghiệp tại các ngân hàng cần phải được mở rộng với một tỷ lệ đích đáng. Khi đồng vốn được đầu tư đủ, có chất lượng, tập trung đầu tư vào việc đưa các ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông phẩm, nâng giá trị gia tăng của hàng hóa nông nghiệp của người dân, chắc chắn sẽ tạo ra sự phát triển bền vững cho nông nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nông nghiệp nổi lên là một điểm sáng tăng trưởng của nền kinh tế. Các nhà kinh tế cũng cho rằng, với tỷ lệ dân số trong khu vực nông nghiệp chiếm 2/3 dân số, kinh tế khu vực nông thôn phát triển là thị trường tiêu dùng lớn sẽ trở thành động lực để thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp trong nước phát triển. Một nền nông nghiệp xanh cũng sẽ là hướng đi quan trọng để tạo sự chuyển biến về chất trong quá trình phát triển của nền kinh tế theo hướng bền vững, ổn định hơn.